Joe Tsai - 'cánh tay phải' của Jack Ma

Bill Gates có Steve Ballmer, Steve Jobs có Tim Cook, Mark Zuckerberg có Sheryl Sandberg... còn tại Alibaba, Jack Ma có Phó chủ tịch - Joe Tsai.
Phó chủ tịch Alibaba - Joe Tsai. Ảnh:Alibaba
Phó chủ tịch Alibaba - Joe Tsai. Ảnh:Alibaba

"Alibaba sẽ không được như ngày hôm nay nếu thiếu Joe Tsai", Porter Erisman - người phụ trách truyền thông cho Alibaba những ngày đầu nhận xét, "Joe là thấu kính quốc tế cho cả công ty".

Tsai đã giúp biến Alibaba thành một gã khổng lồ quốc tế. Ông chỉ đạo gần như tất cả các cuộc đàm phán huy động vốn thời kỳ đầu, và tham gia hàng chục thương vụ M&A của Alibaba. Ông cũng là người thu hút nhà đầu tư cho IPO của đại gia thương mại điện tử này.

Sinh ra trong một gia đình luật sư nổi tiếng tại Đài Loan (Trung Quốc) năm 1964, Tsai tới Mỹ năm 1977 để học trung học. Từ một người gần như chẳng nói được một chữ tiếng Anh, sau khi tốt nghiệp, ông đã có thể giao tiếp mà hoàn toàn không còn âm địa phương.

Tsai tốt nghiệp Trường Luật Yale năm 1990 và làm việc tại hãng luật Sullivan & Cromwell ở New York. Sau 3 năm, ông chuyển sang lĩnh vực đầu tư cổ phần tư nhân. Ông muốn tìm một vị trí mà mình là người quyết định, chứ không phải tư vấn. Sau đó, ông đầu quân cho một công ty nhỏ ở New York, rồi chuyển đến Hong Kong (Trung Quốc) làm cho Investor AB.

Công việc này đã giúp ông gặp Jack Ma lần đầu năm 1999 tại Hàng Châu, qua giới thiệu của một người bạn. Tsai rất ấn tượng với tính sách của Jack Ma và ý tưởng thành lập Alibaba.com - một nền tảng thương mại quốc tế.

Cuối năm đó, ông đến Hàng Châu lần thứ 2, mang theo gia đình. Ông đã phải thuyết phục vợ mình rằng đây là quyết định đúng đắn. Lần này, ông cùng Jack Ma bàn bạc về những kế hoạch tương lai cho Alibaba.

"Khi đó, Jack chưa huy động vốn từ bên ngoài, cũng chưa lập công ty nữa. Anh ấy nói với tôi: Joe này, tôi chẳng biết gì về tài chính hay luật pháp cả. Nhưng tôi đang cần lập công ty. Tôi muốn tất cả nhà sáng lập đều thống nhất được một thỏa thuận về việc phát triển kinh doanh sau này. Tôi cũng muốn đảm bảo chúng ta có thể huy động vốn ngoài. Tôi không biết làm mấy việc này thế nào cả. Sao anh không sang giúp tôi một tay nhỉ?", Tsai nhớ lại.

Joe Tsai (trái) và Jack Ma (phải) trong cuộc gặp năm 1999. Ảnh:Alibaba

Thế là Tsai bỏ công việc với mức lương 700.000 USD một năm tại Investor AB để tới làm cho Alibaba. Ma đã đề nghị 18 đồng sáng lập của Alibaba nhận lương 600 USD mỗi người một năm. Tsai khi ấy là người duy nhất học từ phương Tây về.

Ông làm Giám đốc Tài chính tại Alibaba trong hơn một thập kỷ, trước khi trở thành Phó chủ tịch năm 2013, giám sát sự phát triển của công ty. Ông còn là người chỉ đạo thương vụ mua lại một phần cổ phần của Alibaba từ Yahoo năm 2012.

Eric Jackson là một nhà đầu tư mạo hiểm. Năm 2010, ông đã có cuộc nói chuyện với Tsai tại Hong Kong, kéo dài 90 phút. "Tôi như được mở mang tầm mắt vậy", Jackson cho biết, "Ông ấy khiến tôi quá ấn tượng đến nỗi khi bước ra khỏi phòng họp, tôi quyết định phải mua cổ phiếu Yahoo. Vì không ai ở nước Mỹ này hiểu được Yahoo đang nắm 40% cổ phần của công ty có tiềm năng lớn đến thế nào đâu".

Alibaba dĩ nhiên không phải lúc nào cũng được cổ đông yêu mến. Năm 2011, họ bị Yahoo và SoftBank phàn nàn sau khi chuyển cổ phần của mảng thanh toán online Alipay sang một công ty thuộc kiểm soát của Jack Ma. Yahoo cho biết việc này họ đã không được báo trước. Sau đó, Tsai đã chỉ đạo việc thương lượng đền bù giữa Alibaba với hai cổ đông này.

Bloomberg cho rằng nếu Alibaba là một bộ phim, Jack Ma sẽ là diễn viên chính kiêm đạo diễn. Còn Tsai sẽ là nhà sản xuất. Jack Ma nảy ra rất nhiều ý tưởng và bắt tay vào làm việc. Còn Tsai sẽ là người đảm bảo mọi thứ hoàn tất.

Phần lớn những người quen biết mô tả ông là người khiêm tốn và kín tiếng. "Đây là một sự kết hợp cực kỳ thành công. Vì họ là hai người hoàn toàn khác nhau", Jim Rogers - Chủ tịch công ty đầu tư Rogers Holdings nhận xét, "Là một đội, họ đã hoàn thành công việc rất xuất sắc".

Jack Ma luôn ở trụ sở công ty ở Hàng Châu. Còn Tsai làm việc từ Hong Kong. Ông tới Hàng Châu 3 lần mỗi tuần và cả hai nói chuyện điện thoại gần như hằng ngày.

Jack Ma từng thừa nhận ông chẳng biết gì về công nghệ hay đàm phán thương vụ. Và việc thư hai gần như dựa vào Tsai. Quyết định mạo hiểm rời công việc lương cao để tới làm việc cho Jack Ma đã giúp ông trở thành tỷ phú, với tài sản ước tính 6,1 tỷ USD, theo Forbes. Và Tsai vẫn hài lòng với việc làm người đứng sau Jack Ma.

"Ông ấy chẳng thay đổi gì cả. Tôi dĩ nhiên luôn mong ông ấy trở thành người có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Ông ấy rất chăm chỉ, thông minh, có khả năng nhìn ra những điểm khác biệt ở người khác và trở thành anh em của họ", Gordon nhận xét.

Chuyên đề