Hướng tới kỷ lục mới về vốn đầu tư vào đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được xem là chìa khóa, động lực để nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển nhanh, bền vững, nhiều hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang được triển khai mạnh mẽ ở Việt Nam. Với chuyển động tích cực này, hoạt động đầu tư vào ĐMST được kỳ vọng sẽ thiết lập kỷ lục mới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự cuộc họp mặt và ra mắt Ban thường trực Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hoa Kỳ ở TP. San Francisco
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự cuộc họp mặt và ra mắt Ban thường trực Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hoa Kỳ ở TP. San Francisco

Khuyến khích doanh nhân phát triển đất nước

Trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phái đoàn cấp cao Việt Nam tại Hoa Kỳ, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tổ chức cuộc họp mặt và ra mắt Ban thường trực tại TP. San Francisco.

Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng đại diện mạng lưới ĐMST ở Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Australia.

Tại cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều doanh nhân Việt tại Hoa Kỳ tiếp tục tham gia phát triển đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để thực hiện những dự án được ấp ủ ở Thung lũng Silicon, nhiều doanh nhân phải thường xuyên di chuyển giữa Mỹ và Việt Nam. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian qua, nhiều dự án có thể đã bị gián đoạn, nhưng hy vọng trong thời gian tới, các doanh nhân Việt tại Hoa Kỳ sẽ đem những ước mơ đó về lại Việt Nam để phát triển cùng đất nước.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ, tham dự một số hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và ĐMST giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng luôn nhấn mạnh, quan hệ tốt đẹp giữa hai nước là nền tảng để tăng cường hợp tác kinh tế và khoa học công nghệ (KHCN), ĐMST là động lực để kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, chỉ có ĐMST và KHCN mới giúp Việt Nam biến thách thức thành cơ hội. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 xác định quan điểm Việt Nam phải “bắt kịp - đi cùng - và vượt lên” trong một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là KHCN và ĐMST.

TS. Cao Anh Tuấn, đồng sáng lập Genetica - một thành viên của Mạng lưới ĐMST Việt Nam từ 2018 chia sẻ, cuộc gặp với Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng năm 2018 đã giúp ông tự tin đặt bản doanh của Genetica tại Việt Nam thay vì Singapore theo kế hoạch ban đầu. Đến thời điểm này, Trung tâm Giải mã gen của Genetica đã đi vào vận hành tại Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) thuộc Bộ KH&ĐT, trở thành một trong những trung tâm giải mã gen công suất lớn nhất Đông Nam Á, tuân thủ chuẩn quốc tế CLIA.

Đặc biệt, nhân chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Genetica đã cùng Oasis Labs (một mạng lưới blockchain) chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giải mã gen hướng tới y học chính xác nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam và thế giới.

Không ngừng nuôi dưỡng, phát triển ĐMST

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược cho Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã được giao là đầu mối dự thảo, ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy ĐMST và phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam.

Cùng với các cơ chế, chính sách, Bộ KH&ĐT đã giao cho NIC và các đơn vị liên quan thực hiện nhiều hoạt động kết nối các tổ chức, quỹ đầu tư, doanh nhân, trí thức trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy ĐMST nói chung và cộng đồng doanh nghiệp ĐMST nói riêng.

Song song với các hoạt động ngoại giao, ở trong nước, NIC và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), Bộ TT&TT đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp. Theo đó, các bên cùng phối hợp triển khai chương trình, hoạt động để phát triển hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp. NIC sẽ kết nối PTIT với Mạng lưới ĐMST Việt Nam để khai thác trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài tạo mối liên kết, hỗ trợ các dự án, nhiệm vụ cụ thể mà PTIT quan tâm…

Trước đó, ngày 27/4/2022, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT đã có buổi làm việc với Giáo sư Lam Khin Yong, Phó Hiệu trưởng phụ trách Nghiên cứu, Đại học Công nghệ Nanyang Singapore để trao đổi về các cơ hội hợp tác trong tương lai, góp phần vào việc thúc đẩy ĐMST tại Việt Nam…

Ngày 1/5, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, NIC cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản đã trao Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực ĐMST nhằm hỗ trợ phát triển các công ty khởi nghiệp và ĐMST của hai nước trong khuôn khổ Giai đoạn 8 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Với hàng loạt các hoạt động đó, nhiều nhà đầu tư tin tưởng, lượng vốn đầu tư vào hoạt động ĐMST tại Việt Nam năm 2022 dự kiến sẽ đạt con số 1,5 - 2 tỷ USD, phá kỷ lục 1,4 tỷ USD năm 2021. Đồng thời sự lớn mạnh của hệ sinh thái ĐMST sẽ giúp kinh tế Việt Nam năm 2022 cũng như thời gian tới tiếp tục tăng trưởng cao bất chấp những khó khăn, thách thức.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư