Hiểu đúng khái niệm DNNN để tuân thủ pháp luật liên quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến thời điểm này, Luật Doanh nghiệp (DN) 2020 đã có hiệu lực thi hành được gần một tháng, có DN lúng túng trong việc xác định mình có là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay không để tuân thủ đúng quy định của pháp luật liên quan, trong đó có pháp luật về đấu thầu.
Tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp đã có hướng dẫn cụ thể về khái niệm doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp đã có hướng dẫn cụ thể về khái niệm doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Không dám chắc mình có phải là DNNN theo quy định của Luật DN 2020 hay không, một DN đã chạy đôn chạy đáo cả tháng, gõ cửa một số cơ quan để nhờ hỗ trợ.

Cụ thể, DN này có vốn điều lệ 153,6 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ nắm giữ 51,22% vốn điều lệ. Công ty mẹ là công ty TNHH MTV 100% vốn thuộc một tập đoàn nhà kinh tế nhà nước. Hiện tập đoàn này là DNNN do Nhà nước nắm giữ 75,87% vốn điều lệ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu.

Theo DN, việc trả lời được câu hỏi có hay không họ là DNNN rất quan trọng, bởi họ đang chuẩn bị đầu tư 1 dự án tàu biển chở xăng dầu đã qua sử dụng làm tài sản phục vụ sản xuất, kinh doanh với giá trị đầu tư tối đa 90 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của DN này chiếm 30% và vốn vay ngân hàng thương mại chiếm 70% trên tổng vốn đầu tư của dự án.

“Chúng tôi không biết DN mình có phải là DNNN theo khái niệm mới hay không và dự án đầu tư này có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu không?”, một cán bộ của DN băn khoăn.

Sau quá trình gõ cửa các đơn vị, cuối cùng họ cũng tìm được câu trả lời. Căn cứ nội dung phản ánh của DN, cơ quan quản lý nhà nước về DN xác định, DN phản ánh không phải là DNNN theo quy định của Luật DN 2020.

Tương tự với trường hợp của DN nêu trên, tại Hội thảo Điểm mới và các lưu ý cho DN về Luật DN 2020, Luật Đầu tư 2020 diễn ra cuối năm 2020, một số DN cũng cho biết, họ đang lúng túng trong việc xác định DN mình có phải là DNNN hay không nhằm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu khi thực hiện dự án/gói thầu.

Trao đổi thêm với Báo Đấu thầu, một cán bộ làm về công tác quản lý nhà nước về DNNN cho biết: “Lúng túng của DN trong việc xác định mình có hay không là DNNN theo quy định của Luật DN 2020 bắt nguồn từ việc họ chưa hiểu hết được quy định của pháp về vấn đề này”. Theo đó, để tạo thuận lợi cho các DN trong việc thực hiện quy định mới của Luật DN 2020, theo cán bộ này, hiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật DN được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét, ban hành đã có hướng dẫn cụ thể.

Theo cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, đối với DN không phải là DNNN, việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thực hiện theo Điểm c Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu. Theo đó, nếu dự án sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

Đánh giá cao hướng dẫn cụ thể về khái niệm DNNN trong nghị định thị hành Luật DN 2020 một chuyên gia cho rằng, việc này sẽ giúp các doanh nghiệp bớt lúng túng khi thực hiện các quy định pháp luật có liên quan trong hoạt động đầu tư, đấu thầu. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho biết, tại nước ta, hiện có rất nhiều DN tư nhân lựa chọn áp dụng Luật Đấu thầu khi lựa chọn nhà thầu thực hiện công trình, dự án. Do đó, các DN, dù đã xác định mình không phải DNNN, cũng có thể cân nhắc áp dụng Luật Đấu thầu để tăng tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Khái niệm về DNNN

1. DNNN được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần, bao gồm:

a) DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

b) DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ DN quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.

2. DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

b) Công ty TNHH MTV là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

3. DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

b) Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo Luật Doanh nghiệp 2020

Chuyên đề