Luật Doanh nghiệp 2020 tạo khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến. Ảnh: Lê Tiên |
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho biết, Luật DN 2020 có 10 điểm mới căn bản được đánh giá sẽ tác động rất nhiều tới hoạt động quản trị, điều hành, cơ cấu tổ chức bộ máy cũng như ứng xử của DN. “Ví dụ, quyền của cổ đông tăng lên đáng kể. Luật cũng nâng cấp quản trị DN theo hướng chuyên nghiệp hóa và bài bản hơn thông qua những quy định rõ ràng…”, ông Đức nhấn mạnh.
Nhìn về thực trạng quản trị của các DN Việt Nam, các nghiên cứu đã chỉ ra, chất lượng quản trị dù có cải thiện song vẫn ở mức thấp so với các nước trên thế giới. Thậm chí, một chuyên gia kinh tế từng cho rằng: “Quản trị công ty vẫn là thứ xa xỉ ở Việt Nam”.
Là thành viên Ban soạn thảo Luật DN 2020, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, một trong những điểm mới được xem là căn bản, mấu chốt của Luật DN 2020 là nâng cấp quản trị DN, nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Theo ông Hiếu, quản trị công ty tốt không chỉ giúp nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn giúp DN phát triển bền vững cũng như ngăn ngừa rủi ro.
Luật DN 2020 mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình; hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ; bổ sung các quy định về quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế…
Chẳng hạn, Khoản 2 Điều 115 Luật DN 2020 quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ công ty có các quyền: xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm, báo cáo của ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty; yêu cầu ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết…
Để bảo vệ lợi ích hợp pháp của cổ đông, Luật DN 2020 cũng bãi bỏ quy định về thời gian cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần “ít nhất 6 tháng liên tục” để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của DN.
Nhằm nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động của DN có sở hữu nhà nước, Luật sửa đổi khái niệm DN nhà nước để xác định rõ loại DN mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và DN mà Nhà nước sở hữu hơn 50% (đến dưới 100%) vốn điều lệ để có cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp. Đồng thời, bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm minh bạch, công khai thông tin của DN có sở hữu nhà nước.
Bên cạnh đó, Luật DN 2020 đưa ra nhiều cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí và thời gian khởi sự kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho DN trong việc gia nhập thị trường…
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam ví von: “Những cải cách trong Luật DN 2020 như “bếp lửa hồng” truyền hơi ấm cho DN, khích lệ tinh thần kinh doanh trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19”.
Để những điểm mới tích cực của Luật DN 2020 sớm đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, đến thời điểm này, các dự thảo nghị định hướng dẫn Luật đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành như: Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật DN; Dự thảo Nghị định về đăng ký DN… Đáng chú ý, trong các dự thảo nghị định, những điểm mới của Luật đã được cụ thể hóa với những quy định chặt chẽ, rõ ràng, bảo đảm thực thi Luật DN một cách nhất quán, đầy đủ.