Cơ cấu lại DNNN: Giải pháp gì cho giai đoạn tới?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) những năm vừa qua còn một số điểm hạn chế. Quyết liệt đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, gắn với thay đổi mạnh mẽ về quản trị, quản lý được đánh giá là những việc cần làm để tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn tới đạt hiệu quả.
Cần đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, nhất là trong xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu… để tăng hiệu quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Cần đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, nhất là trong xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu… để tăng hiệu quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Còn nhiều hạn chế

Tại Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kết quả thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14, Chính phủ nêu rõ, sau 5 năm thực hiện, cơ cấu lại DNNN đã đạt được kết quả nhất định.

Đó là, cơ cấu lại DNNN được đẩy mạnh và thực chất hơn. Cổ phần hóa, thoái vốn đã được thực hiện một cách công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường và được đẩy mạnh so với giai đoạn trước, từ đó số lượng DNNN được thu gọn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, mô hình quản lý, giám sát DNNN và vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp dần được hoàn thiện. Bên cạnh đó, tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước được bảo toàn và phát triển, tỷ lệ DNNN có lãi tăng, một số DNNN yếu kém đã trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đáng ghi nhận như trên, quá trình cơ cấu lại DNNN vẫn còn một số hạn chế. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Mô hình quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

Việc cơ cấu lại một số dự án đầu tư kém hiệu quả có quy mô lớn, tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai và/hoặc là hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của các địa phương còn chậm…

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN trong những năm gần đây rất ì ạch. Tuy nhiên, dù không đạt mục tiêu và kế hoạch đặt ra, song quá trình cơ cấu lại DNNN đã góp phần cải thiện hoạt động của tổng thể các doanh nghiệp, với điểm sáng là đã có sự xuất hiện của những tập đoàn tư nhân lớn mang lại dòng vốn đầu tư đáng kể cho nền kinh tế.

Đổi mới cách thức thực hiện

Để đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN trong kế hoạch tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã đề ra một số định hướng.

Đó là, sửa đổi căn bản chính sách và quy định pháp luật để đảm bảo DNNN có đầy đủ quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường. Chấm dứt việc cơ quan nhà nước quyết định những vấn đề thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của DNNN. Khẩn trương hoàn thành mục tiêu tách người quản lý DNNN ra khỏi biên chế công chức, viên chức nhà nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thể chế và cách thức quản lý theo hướng buộc các DNNN cạnh tranh công bằng và tuân thủ đầy đủ kỷ luật và chuẩn mực thị trường trong đầu tư và kinh doanh. Áp dụng triệt để chuẩn mực quốc tế về quản trị tại DNNN.

Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn DNNN. Thu hẹp diện DN 100% vốn nhà nước. Đến năm 2025, có thể giữ hình thức công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước đối với một số DNNN thuần túy cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích và khó thu hút nhà đầu tư bên ngoài. Các DN còn lại đều có thể cổ phần hóa.

Mặt khác, đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống. Tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tập trung vào các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia; bổ sung vốn điều lệ cho các DNNN then chốt quốc gia.

Đáng chú ý, Chính phủ cũng định hướng củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động có hiệu quả, có năng lực cạnh tranh khu vực, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN cần được cải tiến về quy trình, thủ tục. “Các DN lớn với cơ cấu tài chính phức tạp mà vẫn áp dụng cơ chế hành chính nhà nước, cách thức định giá DN chưa rõ ràng thì khó đẩy nhanh cổ phần hóa. Mặt khác, cơ cấu lại DNNN cần tiếp tục gắn với việc thay đổi cách quản lý. Nếu giữ cách quản lý Nhà nước là chủ sở hữu như bây giờ sẽ không ăn nhập với cách vận hành của một công ty cổ phần”, ông Cung nhấn mạnh.

Còn theo TS. Lương Văn Hải, Trường Đại học mở Hà Nội, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cần kiên quyết đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc thực hiện tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch, đúng pháp luật.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và thoái vốn các bộ, ngành, các địa phương cần thực sự vào cuộc, cùng DN tháo gỡ khó khăn, hay báo cáo kịp thời, đề xuất giải pháp sát thực tiễn để tháo gỡ khó khăn trong quá trình xác định giá trị DN và các vấn đề pháp lý khác có liên quan của DN.

Chuyên đề