HoREA kiến nghị sửa đổi quy định về thẩm định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình cấp 1 (trên 20 tầng). Ảnh: Tường Lâm |
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, một trong điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển của thị trường bất động sản hiện nay là là thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, điển hình là khâu thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công các công trình cấp 1, từ trên 20 tầng. Việc sửa đổi những quy định hiện hành sẽ giúp giảm thiểu “lợi ích nhóm”
Cụ thể, NĐ 59/2015/NĐ-CP quy định: "Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại điều 76 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở với các nội dung quy định tại khoản 2 điều 58 của Luật Xây dựng 2014 (trừ phần thiết kế công nghệ) của dự án đầu tư xây dựng công trình cấp đặc biệt, cấp 1". Đồng thời quy định: "Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại điều 76 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế ba bước), thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế hai bước) của công trình cấp đặc biệt, cấp 1, công trình theo tuyến đi qua hai tỉnh trở lên và công trình do Thủ tướng Chính phủ giao".
Tuy nhiên, theo HoREA, công trình cấp 1 là công trình trên 20 tầng, mà hiện nay các công trình cao tầng kể cả nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hầu hết đều trên 20 tầng. Nếu theo các quy định này, thì Cục Quản lý các hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng "chịu trách nhiệm" thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công của tất cả các công trình cấp 1 (cao trên 20 tầng); và cả những dự án nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng trên 20.000 m2 của tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhưng lại có một nghịch lý là sau khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thẩm định, chủ đầu tư lại phải đem hồ sơ này về nộp lại Sở Xây dựng để được cấp giấy phép xây dựng.
HoREA cho rằng việc tách thành 2 quy trình: thẩm định thiết kế; và cấp giấy phép xây dựng là không hợp lý, làm tăng thủ tục và thời gian thực hiện thủ tục hành chính, mà cần nhập 2 quy trình này thành 1 quy trình, để giảm bớt thời gian và chi phí làm thủ tục hành chính. Do vậy, Hiệp hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5 điều 78 Luật Xây dựng theo hướng giao cho Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công các công trình cấp 1; và cả các dự án nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng trên 20.000 m2; đồng thời cần thống nhất vào quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Về lâu dài, cơ quan Nhà nước không cần thiết "ôm" việc thẩm định thiết kế mà nên để cho các tổ chức tư vấn có giấy phép hành nghề thực hiện việc thẩm định thiết kế này và chịu trách nhiệm trước pháp luật, tương tự như cách làm của các nước khác.
HoREA cũng kiến nghị Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM, Sở Xây dựng Thành phố cho phép chủ đầu tư dự án được triển khai xây dựng trước phần móng và hầm công trình sau khi đã được thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật để giảm bớt thời gian chờ đợi cấp giấy phép xây dựng toàn bộ công trình.