Hiện thực hóa cơ chế thưởng hợp đồng cho gói thầu giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 25/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2023/NĐ-CP quy định về thí điểm thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để hiện thực hóa cơ chế thưởng hợp đồng cho nhà thầu, tạo động lực để nhà thầu rút ngắn tiến độ thi công, tăng hiệu quả đầu tư.
Nghị định số 15/2023/NĐ-CP về thí điểm thưởng hợp đồng áp dụng với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Nghị định số 15/2023/NĐ-CP về thí điểm thưởng hợp đồng áp dụng với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc áp dụng thưởng hợp đồng cho các dự án giao thông là cần thiết và khả thi bởi các dự án này thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện cơ chế chỉ định thầu, tiết kiệm tối thiểu 5% dự toán nên số tiền dư sau đấu thầu là rõ ràng và đủ lớn để triển khai việc thưởng hợp đồng. Đây là lần đầu tiên có Nghị định về cơ chế thưởng hợp đồng, quy định tại Nghị định có tính chất thí điểm và cần thời gian tổng kết, sửa đổi, hoàn thiện để nhân rộng cơ chế này.

Nghị định số 15/2023/NĐ-CP gồm 12 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2023.

Theo đó, về nguyên tắc thưởng hợp đồng, công trình, hạng mục công trình được thưởng hợp đồng phải được thực hiện theo đúng hợp đồng (về số lượng, khối lượng, chất lượng), đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và phải được nghiệm thu, bàn giao theo quy định của pháp luật về xây dựng. Việc thưởng hợp đồng phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng; phải được quy định rõ trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và được thể hiện trong hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Việc thưởng hợp đồng được áp dụng cho từng gói thầu cụ thể. Số tiền thưởng không vượt nguồn tiền thưởng (số tiền dư sau đấu thầu, chỉ định thầu). Việc thưởng hợp đồng chỉ áp dụng đối với nhà thầu tuân thủ pháp luật trong thực hiện gói thầu và có nguồn tiền thưởng thực tế.

Nghị định nêu rõ, không áp dụng thưởng đối với các trường hợp xác định giá gói thầu, lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và hợp đồng không đúng định mức, đơn giá, thời gian thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng nhằm trục lợi tiền thưởng. Số tiền thưởng hợp đồng được tính theo công thức của số tiền dư sau đấu thầu nhân với tỷ lệ thời gian rút ngắn trong quá trình thực hiện hợp đồng nhân với hệ số khuyến khích.

Về thẩm quyền, người quyết định đầu tư quyết định việc áp dụng quy định về thưởng hợp đồng khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Còn chủ đầu tư quyết định cụ thể về việc thưởng hợp đồng, thực hiện việc thanh toán tiền thưởng hợp đồng, điều chỉnh hoặc thu hồi tiền thưởng.

Chủ đầu tư tiếp nhận hồ sơ theo đề nghị của nhà thầu, nếu hồ sơ không hợp lệ, trong 3 ngày làm việc, chủ đầu tư có văn bản thông báo và yêu cầu nhà thầu bổ sung hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ, chủ đầu tư xem xét, quyết định thưởng hợp đồng cho nhà thầu trong thời gian không quá 30 ngày.

Về thanh toán tiền thưởng, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi quyết định thưởng hợp đồng có hiệu lực, chủ đầu tư gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Kho bạc Nhà nước hồ sơ đề nghị thanh toán. Căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán khoản tiền thưởng hợp đồng trong thời hạn chậm nhất 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Các gói thầu thuộc các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã ký hợp đồng trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà việc thưởng hợp đồng chưa được quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu, chủ đầu tư báo cáo người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định việc áp dụng quy định về thưởng hợp đồng đối với các gói thầu này. Căn cứ vào đó, chủ đầu tư và nhà thầu ký kết bổ sung phụ lục hợp đồng về nội dung thưởng hợp đồng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Nghị định được ban hành sẽ là nguồn động viên, khuyến khích các nhà thầu xây dựng nỗ lực phấn đấu hoàn thành công trình, gói thầu trước thời hạn, đảm bảo chất lượng xây dựng và có các đề xuất về giải pháp thi công, công nghệ mới áp dụng trong quá trình thực hiện. Việc ban hành Nghị định còn thể hiện sự công bằng, nghiêm minh giữa thưởng và phạt trong thực hiện hợp đồng xây dựng, là tiền đề quan trọng để tiếp tục hoàn thiện cơ chế về thưởng, phạt hợp đồng với các dự án, công trình ở lĩnh vực khác.

Theo ý kiến từ Bộ Giao thông vận tải, việc ban hành Nghị định là cần thiết để cụ thể hóa các quy định pháp luật, làm cơ sở cho các chủ thể tham gia quản lý hợp đồng áp dụng vào thực tế thuận lợi, rõ ràng hơn trong bối cảnh các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng chưa có nội dung hướng dẫn về chi phí thưởng hợp đồng trong tổng mức đầu tư xây dựng của các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Xét về lâu dài, sau khi Nghị định được ban hành, cần có sự tổng kết, đánh giá thực tiễn để bổ sung, điều chỉnh các quy định cho phù hợp, tạo động lực lớn để nhà thầu rút ngắn tiến độ, tăng hiệu quả đầu tư.

Chuyên đề