Câu nói nổi tiếng của đại học sĩ Thân Nhân Trung “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm và cao nhất của Trường Quốc học Huế. Ảnh: Phan Tấn Hùng |
Ngay từ năm đầu ở ngôi ấy – vào ngày mồng Một, tháng Mười lịch trăng – Nhà vua đã hạ chiếu, nói lời quan thiết rằng “Trẫm nghĩ: Muốn thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được người hiền tài, thì phải do tiến cử. Cho nên, người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên”.
Bấy giờ, triều chính mới thiết lập, và chiến tranh thì chỉ vừa kết thúc. Cho nên, “nhân tài (hiếm) như lá mùa thu” – đúng như lời Nguyễn Trãi đã nói. Vì thế, để tìm kiếm và có được người hiền tài, Nhà vua đã chọn cách thức “Tiến cử”. Và nêu ra hai hình thức tiến cử, là: “Tự tiến cử”, và: “Các quan phải tìm người hiền tài mà tiến cử”.
Về hình thức “Tự tiến cử”, Nhà vua thiết thực nói: “Nếu có ai ôm ấp tài lược kinh bang tế thế, nhưng vẫn phải chịu khuất ở hàng quan thấp, không có người tiến cử cho, cùng là những người hào kiệt còn bị vùi dập ở bụi bờ hay lẫn lộn trong quân ngũ, nếu không tự đề đạt thì Trẫm làm sao biết được? Từ nay về sau, các bậc quân tử có ai muốn theo ta, đều cho tự tiến cử”.
Về hình thức “Các quan tiến cử”, Nhà vua còn có những lời lẽ tha thiết hơn nữa: “Nay, Trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước. Vậy, ra lệnh cho các đại thần văn võ, công hầu phu tử, tam phẩm trở lên, mỗi viên tiến cử lấy một người, ở trong Triều hay ngoài thôn dã, đã làm quan hoặc chưa làm quan. Nếu người nào có tài năng, tri thức văn võ, có thể cai trị dân chúng, thì Trẫm sẽ tùy tài bổ dụng. Lại nữa, tiến cử được người hiền tài sẽ được thưởng mức cao nhất. Nếu tiến cử được người có tài bậc trung, thì được tăng tước hai bậc. Nếu tiến cử được người có tài đức đều ưu tú, vượt hẳn mọi người, thì nhất định được trọng thưởng”.
Nhưng những hình thức tìm chọn và sử dụng người hiền tài bằng “Tiến cử” như thế này, dù được cổ vũ đã lắm cũng chỉ thích hợp với buổi đầu thời hậu chiến. Còn về lâu về dài, thì cần phải bài bản vừa tạo dựng một quy trình, từ đào tạo, sát hạch, tuyển lựa, đến sử dụng, theo và trên cơ sở một hệ tư tưởng nào đó về người hiền tài. Thế là, sau đời Thái Tổ Lê Lợi, đến các đời con cháu Thái Tông, Nhân Tông, trong những thập kỷ thứ ba và thứ tư của thế kỷ 15, các trường học và khoa thi đã được dần dà, cùng với hệ tư tưởng Nho giáo và kiến thức Nho học, theo đuổi sự nghiệp “Khoa cử”, mà tìm kiếm và sử dụng người hiền tài, đúng như lời bài văn bia về Khoa thi Tiến sĩ năm Quý Mùi (1463) đã viết:
- “Đức Thái Tông Văn hoàng đế mở mang thêm qui mô tập hợp hết anh hùng, đặt khoa thi chọn người giỏi, tiến cử bậc Nho gia chân chính để phụ giúp việc trị nước”…
“Đức Nhân Tông hoàng đế, theo khuôn phép cũ, nối dõi võ công, nêu cao văn trị, lấy đạo Nho tô điểm đời thịnh trị thái bình, đem lòng nhân vun bồi quốc mạch, cách tuyển chọn kẻ sĩ đều kính theo phép xưa”; và cũng gọn gàng mà đúng với lời vua Lê Thái Tông (1434 -1442) đã nói: “Muốn có người giỏi, trước hết phải kén chọn kẻ sĩ. Con đường kén chọn kẻ sĩ là đầu tiên phải mở khoa thi”.
Vậy là con đường và chế độ “Khoa cử” – đào tạo, tuyển lựa, sử dụng người hiền tài bằng và qua thi cử - đã được ấn định. Và khoa thi năm Nhâm Tuất (1442), niên hiệu Đại Bảo thứ Ba, đời trị vì của vua Lê Thái Tông, đã là khoa thi tiêu biểu, điển hình, đầu tiên, của đường lối và chế độ khoa cử thời Lê Sơ.
Ở khoa thi này, trong số 450 người dự thi, các quan “Độc quyển” (chấm thi) – đứng đầu là Nguyễn Trãi – đã lấy đỗ được 33 người, trong đó có “Tam khôi” là Trạng nguyên Nguyễn Trực, Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, Thám hoa Lương Như Hộc; 7 tiến sĩ, đứng đầu là Trần Văn Huy; và 23 “Phụ bảng” (tức Đồng Tiến sĩ xuất thân”) đứng đầu là Ngô Sĩ Liên – đều trở thành “Rường cột Quốc gia” đương thời.
Nối dài con đường và phương thức đào tạo - kén lựa - sử dụng người hiền tài bằng khoa cử như thế, đến đời trị vì của vua Lê Thánh Tông chỉ trong 38 năm, qua hai niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1470) và Hồng Đức (1470 - 1497) của một thời thịnh trị, đã tổ chức được 12 khoa thi, lấy đỗ được 500 tiến sĩ, trong đó có 9 Trạng nguyên.
Vào một ngày đẹp trời của năm Giáp Thìn thuộc niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484), vua Lê Thánh Tông đã nghĩ ra và xuống lệnh cho lập 10 bia đá “Tiến sĩ đề danh” đầu tiên dựng đặt ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (khi ấy gọi là Nhà Thái học), và giao cho Thân Nhân Trung viết bài văn bia thứ nhất, nói về khoa thi quan trọng, đã mở vào năm Đại Bảo thứ 3 (1442) trước đấy.
Thân Nhân Trung chính là một điển hình của sự nghiệp dùng Khoa cử Nho học mà tuyển chọn và sử dụng người hiền tài lúc bấy giờ.
Sinh năm 1419 ở làng Nếnh, bây giờ là xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Thân Nhân Trung đã chăm chỉ, miệt mài, đi theo Nho giáo, trau dồi Nho học, nổi tiếng là một người hiền tài ở đất Kinh Bắc. Gặp khoa thi năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận thứ 10, tức năm 1469 dương lịch, ở tuổi 50, ông vẫn sốt sắng dự thi, và đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân, cùng với 19 người khác.
Thấy ông là người cần cù chịu khó học hành, rèn luyện, tính tình lại trung thực, cẩn trọng, vua Lê Thánh Tông – từ khi qua khoa cử mà tìm được người hiền tài – đã nhanh chóng giao việc và cất nhắc Thân Nhân Trung, từ những chức như: Thượng thư Bộ Lại, Chưởng Hàn lâm viện kiêm Đông các đại học sĩ... đến Nhập nội Phụ chính, Tế tửu Quốc Tử Giám… Đặc biệt, khi thành lập Hội thơ “Tao Đàn Nhị thập bát tú”, mà chính Lê Thánh Tông là “Nguyên soái”, thì, “Tao Đàn Phó nguyên soái” chính là Thân Nhân Trung.
Và bây giờ là việc được giao soạn bài văn bia “Tiến sĩ đề danh” đầu tiên.
Chắc chắn là Thân Nhân Trung đã phải suy nghĩ rất nhiều. Vì đã hiểu, và sau đấy viết ra được, tác dụng của việc lập bia đá “Tiến sĩ đề danh” theo sáng kiến của Lê Thánh Tông.
- “Thần kính vâng lời ngọc, khôn xiết vui mừng. Kính nghĩ việc dựng bia khắc đá là cốt để làm cho ý tốt cầu hiền tài và đạo trị nước của thánh tổ thần tông được lưu truyền mãi mãi”.
Cũng từ sự cẩn thận và thẳng thắn kiểm điểm việc khoa cử ở khoa thi năm Đại Bảo - 42 năm trước - Thân Nhân Trung còn thấy thêm được cả bên cạnh tác dụng biểu dương, thì đó là tác dụng răn đe của bia đá và cuộc dựng bia “Tiến sĩ đề danh”, đối với ngay và chính những người được coi là hiền tài, khi đã đỗ đạt khoa thi này: “Hãy đem họ tên những người đỗ khoa này mà điểm lại, thì thấy nhiều người đã đem tài năng văn học, chính sự để tô điểm cho nền trị bình, mấy chục năm qua được quốc gia trọng dụng. Cũng không phải là không có kẻ vì tham lam hối lộ mà hư hỏng hoặc rơi xuống hạng gian tà, có lẽ vì lúc sống bọn họ chưa được nhìn thấy tấm bia này. Ví thử đương thời chính mắt họ trông thấy, thì lòng thiện được khuyến khích mà ý xấu được ngăn ngừa, mầm nghiệt đâu dám nảy sinh? Thế thì việc dựng bia khắc đá này có lợi ích rất nhiều: Kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện lấy đó làm gắng. Biết rõ dĩ vãng, rộng nhìn tương lai, vừa là để rèn giũa danh tiết của kẻ sĩ, vừa là để củng cố mệnh mạch nước nhà”.
Nghĩ và viết đến đây, Thân Nhân Trung bất giác rùng mình, vì vừa chợt ngộ ra điều vô cùng lớn lao, hệ trọng: Vai trò và tác động qua lại giữa những người hiền tài và vận mệnh của non sông đất nước! Lập tức run rẩy đầu ngọn bút vào nghiên mực, thảo một mạnh:
- (Thần) kính cẩn cúi rập đầu mà nghĩ rằng:
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.
Bài văn bia “Tiến sĩ đề danh” khoa thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442) của Thân Nhân Trung được khắc đá, dựng đặt ở giữa tòa Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Bài văn bia “Tiến sĩ đề danh” khoa thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442) của Thân Nhân Trung sau đấy được đệ trình ngay lên vua Lê Thánh Tông ngự lãm. Vị vua anh minh thông sáng rất lấy làm hài lòng, truyền khắc đá ngay.
Đúng ngày Rằm tháng Tám năm Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 15 (tức năm 1484 dương lịch), bia được long trọng dựng đặt ở giữa tòa Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Kinh đô Thăng Long.
Và thế là, hơn 500 năm đã qua, phát hiện của Thân Nhân Trung về mối quan hệ giữa “nguyên khí quốc gia” là những người hiền tài, và vận mệnh của non sông đất nước, đã không chỉ nằm ở giữa một bài văn bia viết hay vào thời Lê Sơ, về một kỳ thi – Khoa cử, mà còn tỏa sáng như một chân lý, làm tảng nền cho chiến lược phát triển của Lịch sử và Dân tộc qua các thời, đặc biệt là thời bây giờ của chúng ta.