HAGL còn gì để bán?

(BĐT) - Chiều 15/9/2016, một trong những cuộc ĐHĐCĐ được mong chờ nhất thị trường đã được tiến hành. Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán là HAG), sau một năm đầy sóng gió, đã chính thức triệu tập cổ đông để bàn về kết quả kinh doanh năm 2015 và kế hoạch năm 2016. 
Tại ĐHĐCĐ, lãnh đạo HAGL cho biết sẽ bán một số tài sản “được giá” để tái cơ cấu nợ vay
Tại ĐHĐCĐ, lãnh đạo HAGL cho biết sẽ bán một số tài sản “được giá” để tái cơ cấu nợ vay

Chỉ còn gần 4 tháng nữa, năm 2016 sẽ khép lại, những câu hỏi về tái cơ cấu Công ty, tái cơ cấu các khoản nợ vẫn còn lơ lửng…

Tái cơ cấu - nhiệm vụ xuyên suốt

Với HAGL, tái cơ cấu không còn là khẩu hiệu nữa. Tính đến cuối quý II năm nay, Công ty có số dư nợ vay ngắn và dài hạn 26.684 tỷ đồng, trong đó có 12.343 tỷ đồng sẽ tới hạn trả nợ trong vòng 1 năm tới (kể từ 30/6/2016). Bên cạnh đó, vì lấy cổ phiếu HAG và HNG ra làm tài sản bảo đảm, HAGL đã vi phạm một số điều khoản vay khi giá 2 cổ phiếu này trên thị trường thi nhau lao dốc. Nợ của HAGL không chỉ là nỗi lo của công ty này, mà còn là khúc mắc cần giải quyết của biết bao chủ nợ. Báo cáo tài chính bán niên 2016 của HAGL dành đến 25 trang chỉ để thuyết minh về các khoản nợ vay!

Bán tài sản là giải pháp mà người ta nghĩ đến đầu tiên.

Trao đổi bên lề cuộc họp, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL cho biết, Công ty đang thương lượng bán nhà máy đường cho Tập đoàn Thành Thành Công. Giá cả chưa được tiết lộ, chỉ biết rằng có thể thu được dòng tiền đáng kể. Một lần nữa phải nhấn mạnh, vấn đề của HAGL là mất cân đối dòng tiền, chứ không phải mất cân đối tài sản. HAGL đang nắm giữ rất nhiều tài sản có giá trị.

Một thông tin quan trọng được đưa ra sáng nay là khả năng bán 20.000 ha cao su tại Lào. Thông tin này thu hút sự chú ý của dư luận vì lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từng tuyên bố, việc giải quyết nợ của HAGL cần cân nhắc kỹ càng vì công ty này đang sở hữu những cánh rừng cao su tại các vị trí chiến lược biên giới Lào, Campuchia và Việt Nam.

Lãnh đạo HAGL cũng cho biết, một số đối tác đến từ Trung Quốc đã ngỏ lời mua 20.000 ha cao su nói trên. Nếu bán, Công ty có thể thu về tối thiểu 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó là việc mà HAGL không mong muốn, chỉ bất đắc dĩ mới phải thực hiện nếu Chính phủ không ra tay “cứu” bằng cách giãn nợ, giảm lãi suất, bơm thêm vốn hoạt động cho Công ty… “Bầu” Đức không giấu diếm thông tin đối tác Trung Quốc mua rừng cao su tại Lào là nhắm vào đất đai ở vị trí chiến lược, chứ không phải là kinh doanh cao su.

Về việc bán tài sản để cơ cấu nợ vay, Tổng giám đốc HAGL, ông Võ Trường Sơn nhấn mạnh, Công ty sẽ bán những tài sản không nằm trong lĩnh vực cốt lõi, và những tài sản “được giá”, không ngoại trừ dự án tại Myanmar.

Một cổ đông đứng lên hỏi liệu HAGL còn gì để bán trong thời gian tới? Lãnh đạo HAGL không trả lời thẳng câu hỏi này, chỉ cho biết bán tài sản là một hành động mang tính đánh đổi, do đó sẽ được cân nhắc hết sức cẩn trọng. Công ty sẽ quyết định theo hướng có lợi nhất cho cổ đông. 

Những kế hoạch trì hoãn

Việc giải quyết nợ của HAGL cần cân nhắc kỹ càng vì công ty này đang sở hữu những cánh rừng cao su tại các vị trí chiến lược biên giới Lào, Campuchia và Việt Nam.
Cổ tức năm 2014 của HAGL với tỷ lệ 15% đã được Công ty “gác lại”, coi như một khoản nợ đối với cổ đông. Mặc dù thông cảm với Ban lãnh đạo Công ty trước những khó khăn vừa qua, cổ đông HAGL đề nghị không “bỏ” việc chi trả cổ tức, mà thay vào đó là hoãn chia cổ tức. Thời hạn chi trả chưa biết đến bao giờ, và tất nhiên, đã được Lãnh đạo HAGL chấp thuận.

Cũng xung quanh kế hoạch chia cổ tức này, năm 2015, HAGL đã đưa ra một phương án chưa từng có tiền lệ: Phát hành cổ phiếu công ty con để chi trả cổ tức cho cổ đông công ty mẹ. Khi đó, cổ phiếu HNG của HAGL Agrico đang dao động xung quanh mức 30.000 đồng/CP, trong khi HAG chỉ ở mức 13.000 đồng/CP. Tuy nhiên, trước khi kế hoạch vô tiền khoáng hậu này được trình lên các cơ quan chức năng, thì HAG và HNG đã cùng nhau giảm mạnh trên sàn chứng khoán. Sản phẩm tài chính đầy tính sáng tạo của HAGL lặng lẽ bị trì hoãn vô điều kiện.

Với những sóng gió đã và đang trải qua, chia sẻ với báo chí và cổ đông bên lề ĐHĐCĐ, ông Đoàn Nguyên Đức tự tin, giai đoạn khó khăn nhất của Công ty đã qua. Từ nay về sau, tình hình của HAGL không thể tệ hơn nữa.

Tuy nhiên, những động thái giải cứu từ Chính phủ thì vẫn cần phải chờ đợi.

Chuyên đề