ĐHCĐ HAGL: Sẽ tái cơ cấu nợ theo cách nào?

(BĐT) - Việc bán rừng cao su cho đối tác Trung Quốc chỉ là trường hợp bất đắc dĩ khi HAGL không được tái cơ cấu nợ - "bầu" Đức nhấn mạnh.
"Bầu" Đức trong vòng vây của báo chí và nhà đầu tư trong cuộc họp sáng nay. Ảnh: Đan Nguyên
"Bầu" Đức trong vòng vây của báo chí và nhà đầu tư trong cuộc họp sáng nay. Ảnh: Đan Nguyên

Như chúng tôi đã đưa tin, chiều 15/9/2015, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã chứng khoán HAG) chính thức tiến hành cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2016 sau thành công cuộc họp sáng nay của công ty con HAGL Agrico.

2015 là một năm khó khăn đối với HAGL khi Công ty lâm vào hoàn cảnh thiếu hụt dòng tiền, nặng gánh chi phí tài chính với hàng chục nghìn tỷ đồng nợ vay. Cổ phiếu HAG đã “rơi một mạch” xuống còn xung quanh mức giá 5.200 đồng/CP. Lời hứa giải cứu từ các cơ quan chức năng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có diễn tiến cụ thể. Những khoản nợ vay lơ lửng vẫn đang là mối đe dọa trực tiếp đến tình hình hoạt động của HAGL. Năm 2015, trước tình hình cổ phiếu HNG của công ty con HAGL Agrico vẫn đang “được giá”, HAGL đã từng lên kế  hoạch chưa từng có tiền lệ: Phát hành cổ phiếu công ty con để trả cổ tức cho cổ đông công ty mẹ. Tuy nhiên, khi kế hoạch này chưa xin được ý kiến của các cơ quan chức năng, thì cổ phiếu HNG đã kịp lao dốc khiến dự định của HAGL buộc phải dừng lại.

Cũng như công ty con HAGL Agrico, HAGL lên kế hoạch không lỗ thêm vào nửa cuối năm nay. Có nghĩa là cả năm 2016, HAGL dự kiến lỗ 1.191 tỷ đồng – bằng với khoản lỗ nửa đầu năm 2016.

Trong 6 tháng đầu năm, HAGL cho biết, Công ty đã thanh lý các dự án bất động sản tại Việt Nam, thanh lý các dự án khoáng sản và các mảng kinh doanh không có triển vọng. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến Công ty lỗ khủng trong báo cáo bán niên.

Chưa dừng lại ở đó, HAGL cho biết, Công ty đang đàm phán với đối tác để thanh lý các dự án thủy điện Nậm Kông 2 và Nậm Kông 3 tại Lào. Trong ngành nông nghiệp, kế hoạch đầu tư của HAGL dừng lại ở việc chăm sóc các vườn cây cao su và cọ dầu. Bò thịt và mía đường, vốn được đặt nhiều kỳ vọng và mang lại khoản lợi nhuận tương đối lớn trong quá khứ, chưa được Công ty nhắc đến.

Tiếp nối cuộc họp sáng nay của công ty con HAGL Agrico, dự kiến cuộc họp của HAGL tiếp tục sẽ “nóng” với các biện pháp tái cơ cấu các khoản nợ vay khổng lồ của công ty.

Sáng nay, trao đổi bên lề với báo chí, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAGL cho biết, Công ty sẽ buộc phải bán khoảng 20 nghìn ha cao su nằm ở Lào cho các đối tác đến từ Trung Quốc – thu về ít nhất khoảng 8.000 tỷ đồng, giải quyết phần nào nợ nần của Công ty. Đấy là trong trường hợp Chính phủ không đồng ý với các phương án tái cơ cấu nợ mà ông Đức đưa ra.

Khi được hỏi về vị trí chiến lược của rừng cao su có khiến việc chào bán trở nên khó khăn hay không, ông Đức cho biết đó là cách giải quyết nợ của Công ty, buộc phải thực hiện khi không nhận được sự trợ giúp. Ông Đức cũng nhấn mạnh đó là trường hợp bất đắc dĩ. Đối tác Trung Quốc khi ngỏ lời mua rừng cao su tại vị trí này, mục đích nhắm vào là đất chứ không phải là kinh doanh cao su. Vì vậy, giá cao su đang ở đáy thực tế không làm “mất giá” tài sản của Công ty. Tất nhiên, khi muốn bán rừng cao su, HAGL sẽ phải hỏi xin ý kiến Chính phủ 2 nước Lào và Việt Nam – “bầu” Đức nhấn mạnh. 

Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến cuộc họp vào chiều nay 15/9/2016.

Chuyên đề