Gói thầu san lấp mặt bằng Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4: Mời thầu lại, 7 nhà thầu tham dự

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi hủy thầu lần 1 do thương thảo hợp đồng không thành công với cả 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), Gói thầu Thi công hạng mục san lấp mặt bằng Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 đã được mời thầu lại, với 7 nhà thầu nộp HSDT.
Gói thầu Thi công hạng mục san lấp mặt bằng Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 trị giá gần 240 tỷ đồng
Gói thầu Thi công hạng mục san lấp mặt bằng Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 trị giá gần 240 tỷ đồng

Gói thầu nêu trên có giá 239,528 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, do Ban Quản lý dự án điện - Chi nhánh Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) làm bên mời thầu (BMT). Nội dung chính của Gói thầu là thi công san lấp mặt bằng Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4; diện tích san lấp mặt bằng là 48,8 ha, bóc đất hữu cơ, đắp bờ bao, thi công mốc chuẩn; vật liệu cát san lấp hạt mịn; vải địa kỹ thuật phân cách, vải địa kỹ thuật gia cường; quan trắc lún theo quy trình. Thời gian thực hiện hợp đồng là 183 ngày.

Như Báo Đấu thầu đã đưa tin, sau gần nửa năm mời thầu, đánh giá HSDT và thương thảo không thành công với 3 nhà thầu nộp HSDT lần 1, ngày 17/6/2021, Gói thầu đã phải hủy thầu. 3 nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng gồm: Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Băng Dương (nhà thầu xếp hạng thứ nhất), Liên danh FECON - Vina E&C (nhà thầu xếp hạng 2); Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng (nhà thầu xếp hạng 3). Nguyên nhân mấu chốt của việc thương thảo không thành công là do cả 3 nhà thầu ký hợp đồng với đơn vị cung cấp cát san lấp là Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp nhưng do giá cát tăng cao nên đơn vị cung cấp không đồng ý với thỏa thuận cung cấp cát đã ký với cả 3 nhà thầu.

Ngày 12/8/2021, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của BMT cho biết, trong lần mời thầu lại này, hồ sơ mời thầu (HSMT) đã được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn, nhà thầu sẽ phải chịu trách nhiệm về nguồn cung vật liệu cát để thi công công trình, yêu cầu về năng lực thực hiện của nhà thầu cũng cao hơn, theo đó giảm bớt được rủi ro cho Chủ đầu tư, BMT trong quá trình thương thảo, lựa chọn nhà thầu và thực hiện Gói thầu.

Theo Biên bản mở thầu lần 2, có 20 nhà thầu mua HSMT, 7 nhà thầu nộp HSDT. Danh tính của 7 nhà thầu này là: Liên danh Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Băng Dương (thời gian thực hiện hợp đồng 180 ngày); Công ty CP Chương Dương (183 ngày); Liên danh Fecon - Vinacons E&C (183 ngày); Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại MHDI 10 (180 ngày); Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô (179 ngày); Công ty CP Đầu tư xây dựng Sài Gòn (180 ngày); Liên danh Công ty Vimeco - Công ty Ngôi Sao Việt (175 ngày).

Theo tìm hiểu, có 4 nhà thầu đã nộp HSDT lần 1 nhưng không nộp HSDT lần 2, gồm: Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư phát triển Đức Mạnh (thành viên liên danh); Tổng công ty Xây dựng số 1; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn; Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Như Linh - Tổng giám đốc PVPower (Chủ đầu tư) cho biết, BMT đang đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính của 3 nhà thầu, dự kiến công tác lựa chọn nhà thầu sẽ hoàn thành trong tháng 8/2021 và triển khai thi công Gói thầu trong tháng 9/2021. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến căng thẳng, phải thực hiện giãn cách xã hội nên tiến độ thi công có thể sẽ bị ảnh hưởng, cộng thêm khó khăn là giá vật tư xây dựng, đất, cát tăng cao. Về vướng mắc nguồn cung đất, cát như ở lần đấu thầu đầu tiên, Chủ đầu tư đã làm việc với địa phương để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng cho nhà thầu triển khai Gói thầu.

Chuyên đề