Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Gói thầu trên do Ban Quản lý dự án điện - Chi nhánh PVPower là chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu; được phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) lần 1 vào cuối tháng 1/2021 và đóng thầu ngày 26/2/2021 (giá gói thầu 244,99 tỷ đồng). Có 3 nhà thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, được mở hồ sơ đề xuất về tài chính và lần lượt được mời vào thương thảo hợp đồng. Cụ thể, ngày 9/4/2021, Bên mời thầu thương thảo hợp đồng với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Băng Dương (nhà thầu xếp hạng thứ nhất) nhưng không thành công. Ngày 19/4/2021, Bên mời thầu thương thảo hợp đồng với Liên danh FECON - Vina E&C (nhà thầu xếp hạng 2) nhưng cũng thất bại. Tương tự, Bên mời thầu thương thảo không thành công với Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng (ngày 26/5/2021).
Qua tìm hiểu, cả 3 nhà thầu nêu trên đã ký hợp đồng với đơn vị cung cấp cát san lấp là Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp. Do giá vật liệu cát san lấp tăng cao, đơn vị cung cấp không đồng ý với các thỏa thuận ký với cả 3 nhà thầu trước đó. Vì thế, ngày 17/6/2021, Ban Quản lý dự án điện đã hủy kết quả lựa chọn nhà thầu với lý do tất cả HSDT không đáp ứng được các yêu cầu của HSMT.
Tuy nhiên, quyết định hủy thầu này đã gây tranh cãi khi có ý kiến cho rằng, việc thương thảo hợp đồng giữa 3 nhà thầu và Chủ đầu tư đều phụ thuộc vào quyết định của đơn vị cung cấp cát san lấp là Công ty CP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp. Điều này không đúng với nguyên tắc thương thảo hợp đồng theo quy định của HSMT: không tiến hành thương thảo các nội dung nhà thầu đã chào theo đúng yêu cầu nêu trong HSMT. Việc chủ đầu tư hủy thầu mà không thu hồi bảo đảm dự thầu của 3 nhà thầu khi các nhà thầu này từ chối thực hiện hợp đồng là không đúng quy định pháp luật về đấu thầu.
Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia đấu thầu, tại bước đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, vấn đề giá vật liệu tăng cao, đơn vị cung cấp vật liệu không đáp ứng hợp đồng với các nhà thầu cần được Bên mời thầu lượng hóa và đánh giá để yêu cầu các nhà thầu làm rõ HSDT, chứ không nên để đến bước thương thảo hợp đồng mới “vỡ lẽ” ra, hủy thầu thì đã muộn. Về phía nhà thầu, cần làm hợp đồng bao gồm các điều khoản chặt chẽ đối với hành vi tăng giá, không cung cấp hàng như đã thỏa thuận, chứ không phải làm hợp đồng nguyên tắc lỏng lẻo như hiện nay.
Ngày 22/6/2021, Ban Quản lý dự án điện phát hành HSMT Gói thầu lần 2 với giá gói thầu 239,53 tỷ đồng (thấp hơn giá gói thầu lần mời thầu đầu tiên 5,46 tỷ đồng). Ngày 25/6/2021, Ban Quản lý dự án điện có quyết định phê duyệt sửa đổi một số nội dung HSMT liên quan đến yêu cầu về thời gian hiệu lực của bảo đảm dự thầu, nhân sự chủ chốt, sửa đổi yêu cầu năng lực và kinh nghiệm của kỹ sư kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật viên trắc địa và thí nghiệm viên…
Trong thời gian phát hành HSMT lần 2, có nhà thầu đã phản ánh tới Báo Đấu thầu về việc Ban Quản lý dự án điện công khai HSMT thiếu nội dung. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, HSMT đã được công bố đầy đủ, song do mỗi lần chỉnh sửa, chỉ cập nhật công khai phần nội dung chỉnh sửa, những nội dung đã đăng tải, không liên quan đến việc chỉnh sửa thì nhà thầu phải vào lịch sử đăng tải để tra cứu. Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều gói thầu do Ban Quản lý dự án điện mời thầu, gây hiểu nhầm cho các nhà thầu về việc công khai HSMT.
Về việc đấu thầu lần 2 gói thầu trên, một nhà thầu đã từng tham gia đấu thầu lần 1 cho biết, HSMT lần 2 đã điều chỉnh một số quy định và “cởi mở” hơn so với lần 1 nên có nhiều nhà thầu tham gia hơn.
Tuy nhiên, thực tế có bao nhiêu nhà thầu nộp HSDT thì ông Ngô Văn Thanh, cán bộ phụ trách đấu thầu Gói thầu, từ chối trả lời phóng viên với lý do mình không phải là người phát ngôn của Ban Quản lý dự án điện.