16 nhà thầu trong nước và quốc tế đã mua hồ sơ mời thầu gói thầu hơn 24 nghìn tỷ đồng do PVPower làm chủ đầu tư, nhưng chỉ có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Ảnh minh họa: Lê Tiên |
Gói thầu EPC nói trên có giá hơn 24,1 nghìn tỷ đồng, được mời thầu rộng rãi quốc tế theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; bảo đảm dự thầu 370 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng 1.095 ngày, do Ban Quản lý dự án điện - Chi nhánh PVPower làm bên mời thầu. Gói thầu được phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 28/3/2021 và dự kiến đóng thầu lần 1 vào ngày 6/7/2021. Tuy nhiên, đến ngày 10/5/2021, Bên mời thầu thông báo gia hạn thời điểm đóng thầu đến ngày 6/8/2021 và chỉnh sửa HSMT. Trong hơn 4 tháng phát hành HSMT, có 16 nhà thầu trong nước và quốc tế đã mua HSMT nhưng chỉ có 1 nhà thầu nộp HSDT là Liên danh Samsung C&T Coporation - Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama).
Trong thời gian phát hành HSMT, Bên mời thầu đã 12 lần có văn bản trả lời kiến nghị của các nhà thầu và 5 lần chỉnh sửa, cập nhật các yêu cầu của HSMT. Siemens Energy là một trong các nhà thầu có ý kiến về HSMT. Sau nhiều lần làm việc với đại diện Chủ đầu tư, nhà thầu Siemens Energy vẫn cho rằng, HSMT đưa ra yêu cầu đối với phiên bản 50 Hz của tuabin khí là không phù hợp, hạn chế nhà thầu cung cấp phiên bản 60 Hz của dòng tuabin khí 9000HL, không bảo đảm tính cạnh tranh, ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của Dự án.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Như Linh, Tổng giám đốc PVPower cho biết, toàn bộ hệ thống điện của Việt Nam đều sử dụng tần số 50 Hz, đây là đặc tính kỹ thuật bắt buộc của thiết bị khi vận hành để đáp ứng yêu cầu tần số lưới điện của Việt Nam. Hiện nay trên thế giới có 3 nhà chế tạo lớn về tuabin khí và máy phát là Tập đoàn Siemens (Đức), Tập đoàn G.E (Mỹ), Tập đoàn Mitshubisi (Nhật) đều có thể dự thầu với yêu cầu về công nghệ tuabin khí 50 Hz, đã được kiểm chứng công nghệ tuabin khí trong vận hành thương mại.
Vẫn theo ông Linh, đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Siemens có 3 phiên bản tuabin khí tần số 50 Hz gồm SGT5-8000H, SGT5-8000HL, SGT5-9000HL có hiệu suất cao. Có sự khác biệt về kỹ thuật giữa phiên bản tuabin khí tần số 50 Hz và 60 Hz và từng phiên bản này phải được kiểm chứng riêng biệt, quy trình thử nghiệm độc lập trước khi được xem xét là công nghệ được kiểm chứng vận hành thương mại. Cho đến thời điểm hiện tại, tuabin khí mới nhất 9000HL của Siemens Energy chưa được kiểm chứng vận hành phát điện thương mại nên tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình vận hành cũng như hiệu quả kinh tế của cả vòng đời Dự án. Vì thế, trong nhiều lần làm việc, trao đổi với đại diện nhà thầu Siemens Energy, PVPower đã không chấp thuận việc mở rộng tiêu chí, chấp thuận sử dụng tuabin khí 60Hz để tham khảo cho tuabin khí 50 Hz.
Tuabin khí chào thầu cho Gói thầu EPC Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 phải tương tự như đã cung cấp cho các dự án nhà máy điện khác đã được công nhận vận hành thương mại. Khi sử dụng máy phát tần số 60 Hz của Siemens chế tạo tại Nhà máy Điện Cà Mau xây dựng năm 2006 đã xảy ra nhiều sự cố kỹ thuật trong quá trình vận hành là bài học để doanh nghiệp này phải đúc rút kinh nghiệm khi đưa ra “bài thầu” cho Gói thầu EPC Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4.
Trong trường hợp đến ngày 23/8/2021 vẫn chỉ có 1 nhà thầu nộp HSDT, ông Lê Như Linh cho biết, Bên mời thầu sẽ tiến hành mở thầu chứ không tiếp tục gia hạn thời gian đóng/mở thầu. PVPower chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về tính hiệu quả của Dự án. Theo kế hoạch, công trình sẽ được khởi công vào tháng 12/2021.
Ngày 4/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có Văn bản số 5112/BKHĐT-QLĐT gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về việc phản ánh, kiến nghị của Nhà thầu Siemens Energy đối với Gói thầu Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề nghị PVN trong quá trình xử lý kiến nghị lưu ý:
- Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Điều 12 Khoản 2) quy định trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
- Trường hợp phản ánh của Công ty Siemens Energy là chính xác, PVN cần có các biện pháp xử lý kịp thời, yêu cầu Chủ đầu tư sửa đổi HSMT, gia hạn thời điểm đóng thầu đảm bảo đủ thời gian cho nhà thầu chuẩn bị HSDT (nếu cần thiết) để đảm bảo tính cạnh tranh, hiệu quả của Gói thầu và Dự án.