Gỡ vướng, tăng sức hấp dẫn cho dự án sử dụng đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại nhiều địa phương, quá trình đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh chóng, nhu cầu về nhà ở cũng tăng mạnh trong những năm gần đây. Dù cho rằng cần thiết đẩy mạnh đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư có sử dụng đất để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhà ở cho người dân, nhưng nhiều địa phương phản ánh vẫn còn một số vướng mắc khiến việc triển khai chưa đạt hiệu quả.
Nhiều địa phương kêu gọi đầu tư vào các dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng khu đô thị, khu nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ; nhà ở xã hội. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều địa phương kêu gọi đầu tư vào các dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng khu đô thị, khu nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ; nhà ở xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản và hoạt động của doanh nghiệp bất động sản nói riêng gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ; nhà ở xã hội... vẫn được các địa phương công bố, kêu gọi nhà đầu tư và có nhà đầu tư quan tâm.

Theo số liệu từ báo cáo công tác đấu thầu năm 2022, tỉnh Hòa Bình có 25 dự án đầu tư có sử dụng đất được phê duyệt chủ trương đầu tư và thực hiện lựa chọn nhà đầu tư. Quảng Ngãi thực hiện công bố danh mục cho 14 dự án đầu tư sử dụng đất theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và 9 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư. Ninh Thuận thực hiện lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất và dự án đầu tư xã hội hóa với 4 dự án, với tổng vốn đầu tư 5.985,5 tỷ đồng, diện tích 46,8 ha. Sơn La thực hiện công bố danh mục và đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư 3 dự án đầu tư có sử dụng đất…

Nhiều địa phương đánh giá, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất, dự án xã hội hóa… giúp địa phương lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân khách quan từ bối cảnh kinh tế khó khăn, vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn dẫn đến nhiều dự án chưa thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Từ thực tiễn triển khai, UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, việc đề xuất danh mục dự án nhà ở phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của địa phương, đòi hỏi phải có tầm nhìn và bảo đảm sự đồng đều trong phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới… Hiện nay, các địa phương còn lúng túng trong việc bố trí, dành quỹ đất và đề xuất danh mục các dự án sử dụng đất có giá trị thương mại cao nói chung, dự án nhà ở thương mại nói riêng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Đắk Lắk phản ánh thực tế triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất hiện nay gặp vướng mắc do chưa có sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng…), quỹ đất để kêu gọi đầu tư các dự án còn chưa được quy hoạch, dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết thủ tục, ảnh hưởng đến quyết tâm của nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án. Bên cạnh đó, tại Đắk Lắk, một số quỹ đất có nguồn gốc của công ty nông, lâm nghiệp giao về địa phương quản lý, thuận lợi cho việc triển khai thực hiện dự án phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, các khu đất này chưa lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, nên chưa đủ điều kiện giao, cho thuê thực hiện dự án. Một số quỹ đất còn vướng tài sản nhà nước chưa được xử lý theo quy định để đủ điều kiện kêu gọi thực hiện dự án đầu tư. Do đó, Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk kiến nghị cơ quan chức năng hướng dẫn thêm nội dung này.

Sự chồng chéo, thiếu thống nhất của pháp luật nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản làm giảm sức hấp dẫn của các dự án đầu tư có sử dụng đất. Ảnh: Tiên Giang

Sự chồng chéo, thiếu thống nhất của pháp luật nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản làm giảm sức hấp dẫn của các dự án đầu tư có sử dụng đất. Ảnh: Tiên Giang

Theo Sở KH&ĐT Bắc Ninh, các dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại. dịch vụ... thuộc đối tượng thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, điều kiện lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu, dự án đầu tư sử dụng đất phải thuộc danh mục dự án thu hồi đất đã được HĐND cấp tỉnh thông qua. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Đất đai, các dự án nhà ở thương mại dịch vụ không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Vì vậy, các dự án nhà ở thương mại dịch vụ không đủ điều kiện để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu. Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh đề nghị xem xét hình thức triển khai thực hiện đối với dự án thương mại dịch vụ bảo đảm thống nhất giữa các luật, để địa phương triển khai thực hiện đúng quy định.

Theo nhiều địa phương, quy định của pháp luật về đấu thầu tạo quy trình để lựa chọn nhà đầu tư, nhưng việc triển khai thực hiện dự án lại phụ thuộc rất nhiều các quy định pháp luật liên quan. Quy định của pháp luật có liên quan đến đất đai, xây dựng còn có sự chồng chéo, thiếu rõ ràng, cụ thể, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết các thủ tục đầu tư và triển khai dự án của nhà đầu tư. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhà đầu tư còn chưa quan tâm nhiều đến các dự án nhà ở, khu đô thị được đưa ra đấu thầu.

Thực tế, sự chồng chéo, thiếu thống nhất của pháp luật nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản lâu nay vẫn được phản ánh như là một “ma trận thủ tục” làm nản chí nhà đầu tư khi tham gia các dự án nhà ở dù được lựa chọn theo hình thức nào. Bên cạnh đó là vấn đề nan giải trong giải phóng mặt bằng khiến dự án kéo dài nhiều năm, nhà đầu tư chịu nhiều thiệt hại.

Các địa phương, nhà đầu tư đang rất kỳ vọng vào việc sửa đổi đồng bộ Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…, từ đó tạo sự thuận lợi cho thực hiện dự án, tăng sức hấp dẫn hơn khi các dự án có sử dụng đất được đưa ra kêu gọi đầu tư.

Chuyên đề