Tăng sức hút cho dự án đầu tư có sử dụng đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất là cơ chế, công cụ hữu hiệu để tăng thu cho ngân sách nhà nước từ nguồn lực đất đai, tăng hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng đất đai, nhất là trong điều kiện vốn nhà nước hạn hẹp, không bố trí đủ cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, các dự án đầu tư có sử dụng đất đưa ra kêu gọi đầu tư trong thời gian qua chưa nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Phần lớn các dự án đầu tư có sử dụng đất đưa ra kêu gọi đầu tư trong thời gian qua chỉ thu hút được 1 nhà đầu tư đăng ký thực hiện. Ảnh: Nhã Chi
Phần lớn các dự án đầu tư có sử dụng đất đưa ra kêu gọi đầu tư trong thời gian qua chỉ thu hút được 1 nhà đầu tư đăng ký thực hiện. Ảnh: Nhã Chi

Đất tăng giá, vẫn ít nhà đầu tư quan tâm?

Ngày 27/3/2022, Dự án Khu đô thị Hòa Bình tại Thái Nguyên mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án. Không có nhiều bất ngờ, dự án hơn 900 tỷ đồng này chỉ có Công ty CP Tập đoàn Home Vina đăng ký thực hiện. Không bất ngờ, bởi lẽ rất nhiều dự án sử dụng đất trước đó tại Thái Nguyên chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký hoặc 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm. Có thể kể đến như Dự án Khu đô thị City Home 1.214 tỷ đồng, mở hồ sơ ngày 18/3/2022, chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký là Liên danh Công ty CP Tập đoàn BNB - Công ty TNHH Ciputra Thái Nguyên. Dự án Khu đô thị và dịch vụ tiện ích Sông Công 2 (Khu B) 1.724 tỷ đồng, chỉ Công ty CP Đầu tư Hà Thu đăng ký…

Tại Thanh Hóa - tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh, đất đai tăng giá khá mạnh trong thời gian qua, nhiều dự án cũng chỉ một nhà đầu tư quan tâm đăng ký, như Khu đô thị Tây Nam Đại lộ Nam sông Mã 1, phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa; Khu dân cư mới thị trấn Lang Chánh; Khu dân cư mới Thung Ổi, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh; Khu dân cư phía Đông Nam thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Lai Châu, trong năm 2021, Tỉnh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 2 dự án đầu tư có sử dụng đất gồm Khu đô thị mới thị trấn Tân Uyên và Khu đô thị Thiên đường Mắc Ca. Kết quả là mỗi dự án chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện và được đánh giá đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nên chuyển sang thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Tỉnh Bình Định trong năm 2021 đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư đăng ký thực hiện 24 dự án thì có đến 23 dự án chuyển sang chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nhiều Sở KH&ĐT các tỉnh miền núi cho rằng, do địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng giao thông không thuận lợi nên ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư.

Còn theo Sở KH&ĐT Thanh Hóa, việc chưa xác định được giá trị tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước tại thời điểm đấu thầu, chưa đánh giá được hiệu quả đầu tư làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư đến dự án. Một số bên mời thầu xác định sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến quá trình thực hiện một số dự án sau khi ký hợp đồng gặp nhiều khó khăn, làm kéo dài tiến độ thực hiện.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà đầu tư cho biết bị “sa lầy” ở các dự án sử dụng đất do công tác giải phóng mặt bằng quá chậm trễ. Nhiều dự án 3 - 4 năm không có mặt bằng sạch, trong khi nhà đầu tư phải ứng kinh phí giải phóng mặt bằng. Bị chôn vốn ở nhiều dự án dở dang, nhà đầu tư không còn nguồn lực tham gia dự án mới, cũng như nản chí không muốn tham gia. Ngoài ra, một số nhà đầu tư cũng chia sẻ, mỗi dự án từ khi lập quy hoạch, lập đề xuất đã có người theo đuổi, phối hợp với cơ quan nhà nước để có được dự án đưa ra kêu gọi đầu tư. Do đó, nhà đầu tư cũng “nhìn nhau” khi quyết định tham gia.

Nhiều địa phương kiến nghị sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo việc thực hiện dự án được đồng bộ, thông suốt, bảo vệ lợi ích của Nhà nước cũng như nhà đầu tư.

Để sân chơi thêm hấp dẫn

Theo bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, bước công bố danh mục dự án lồng ghép đánh giá sơ bộ yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm chỉ nhằm mục đích khảo sát sơ bộ sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án và là cơ sở để xác định thủ tục tiếp theo; không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Trong trường hợp sau thời gian công bố danh mục dự án lần đầu nếu chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký thực hiện, các đơn vị nên xem xét gia hạn để thu hút thêm sự quan tâm của nhà đầu tư.

Ngoài ra, để tăng tính hấp dẫn cho dự án đầu tư có sử dụng đất, cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ, bởi dự án đầu tư gắn với đất có liên quan đến rất nhiều quy định pháp lý.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Lào Cai, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư còn hạn chế, hiện nay chỉ gồm có Nghị định số 25/2020/NĐ-CP và Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT. Trong khi đó, theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh, một số nội dung quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, nên trong quá trình triển khai thực hiện còn những khó khăn, bất cập.

Nhiều địa phương kiến nghị sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo việc thực hiện dự án được đồng bộ, thông suốt, bảo vệ lợi ích của Nhà nước cũng như nhà đầu tư.

Theo Cục Quản lý đấu thầu, Luật Đấu thầu chỉ quy định mang tính nguyên tắc về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Hiện nay, Luật Đầu tư năm 2020 đã đồng bộ hóa thủ tục phê duyệt danh mục dự án tổ chức lựa chọn nhà đầu tư với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo hướng quy định quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời là quyết định phê duyệt danh mục dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu (đối với dự án thuộc diện phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư khi tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).

Do đó, trong đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu, sẽ nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ của pháp luật về đấu thầu, đầu tư, đất đai và pháp luật liên quan. Căn cứ quy định hiện hành và thực tiễn triển khai, tích hợp, kết nối tối đa giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật về đấu thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, đồng thời thống nhất với quy định của pháp luật về đất đai để thuận lợi cho các bên trong quá trình giao đất, cho thuê đất sau này. Đồng thời, dự kiến sửa đổi, bổ sung phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư nhằm gia tăng tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư...

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, pháp luật liên quan cũng cần được sửa đổi nhằm tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư thực hiện dự án, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án có gắn với đất vẫn đang gặp rất nhiều gian truân, từ đó tăng tính hấp dẫn cho dự án khi kêu gọi đầu tư. Ở khâu tổ chức thực thi, những người thực hiện dự án phải vì lợi ích chung của đất nước, làm sao sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực từ đất đai đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyên đề