Giảm lãi suất: DN muốn nhiều, ngân hàng thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp mong muốn lãi suất giảm về 8%, thậm chí về dưới 6%, nhưng các ngân hàng phải cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó có lĩnh vực và tính chất rủi ro của khoản vay...
Nhiều ngân hàng chào lãi cho vay ngắn hạn khoảng 8%, lãi vay trung và dài hạn từ trên 8% đến 12%. Ảnh: Song Lê
Nhiều ngân hàng chào lãi cho vay ngắn hạn khoảng 8%, lãi vay trung và dài hạn từ trên 8% đến 12%. Ảnh: Song Lê

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố biểu lãi suất vay mới đối với người vay mua nhà. Theo đó, từ 4/8/2023, lãi vay cố định ở mức 8,2% trong 12 tháng đầu hoặc 8,7% trong 18 tháng đầu. Sau thời gian ưu đãi, lãi vay sẽ được điều chỉnh, ổn định ở mức 9,5%/năm. Mức cho vay định giá bằng giá trị thị trường và cho vay 80% giá trị bất động sản, thời hạn vay tối đa 20 năm. Mức lãi vay này đã giảm đáng kể so với lãi suất lần lượt là 8,7%; 9,2% và 10,5% áp dụng ngày 21/6/2023 và lần lượt là 9,2%; 9,7% và 10,8% áp dụng ngày 14/4/2023.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây cũng thông báo giảm lãi vay lần thứ 6 trong năm. Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn chỉ từ 8%/năm.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đã giảm từ 1,5 - 2% tùy từng khoản vay.

Trong khi đó, chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam ngày 8/8, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, chính sách tiền tệ của Việt Nam bắt đầu chuyển sang hướng hỗ trợ phục hồi, lãi suất tiền gửi đã giảm sâu nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao. Ông Nghĩa lấy ví dụ một doanh nghiệp trong lĩnh vực điện mặt trời vẫn phải trả lãi suất đi vay lên tới 17%/năm và mới chỉ được ngân hàng hứa giảm xuống 14%/năm vào tháng 9 tới.

Vị chuyên gia này nhận định, NHNN có cơ hội để giảm thêm lãi suất điều hành bởi tỷ giá USD/VND khó “sốt” trở lại, Cục Dự trữ liên bang Mỹ nhiều khả năng dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay.

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản tuần trước, một số doanh nghiệp cũng kiến nghị cần tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư IMG cho rằng, đã đến lúc giảm lãi suất trung hạn xuống dưới 10%, về mức khoảng 8,5%/năm, bởi lãi suất trung hạn cao khiến nhiều doanh nghiệp không muốn vay, không dám vay và khách hàng dồn tiền cho lĩnh vực khác thay vì bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện các chủ đầu tư đang vay với lãi suất 8,7% và người mua nhà ở xã hội là 8,2%/năm là rất cao, cần giảm xuống mức dưới 6%/năm cho chủ đầu tư và 4,5%/năm cho người mua nhà.

Từng nhiều năm công tác và nghiên cứu lĩnh vực ngân hàng, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, mặt bằng chung là lãi huy động và cho vay đều giảm, nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu đơn hàng hoặc chưa chắc chắn với triển vọng của các dự án đầu tư nên ngại ngần vay vốn. Tuy nhiên, lãi suất cho vay có thể khác biệt giữa các lĩnh vực và khẩu vị rủi ro của từng nhà băng. Chẳng hạn, có ngân hàng hạn chế cho vay các lĩnh vực đầu tư mới hoặc lĩnh vực bất động sản nên lãi vay cho các lĩnh vực này sẽ cao hơn hẳn, có ngân hàng ưu tiên cho vay nông nghiệp - nông thôn thì lãi vay sẽ rất ưu đãi.

Ở khía cạnh khác, theo ông Minh, ngân hàng đảm nhiệm vai trò chính trong việc cung ứng vốn ngắn hạn cho thị trường, còn việc phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư năng lượng là những dự án có tính dài hạn nên cần huy động nguồn vốn từ các kênh khác như vốn hỗ trợ từ Chính phủ qua Ngân hàng Phát triển hoặc vốn từ thị trường chứng khoán.

“Khi việc huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp gặp khó khăn thì ngân hàng đáp ứng một phần nhu cầu nguồn vốn này nhưng giá vốn sẽ cân đối theo rủi ro của dự án. Nếu cho vay trung và dài hạn với lãi suất thấp và xảy ra tình huống bị thiếu hụt nguồn vốn do người vay chưa kịp trả nợ thì ngân hàng lại phải vay bù đắp với lãi suất cao, bài toán cân đối kỳ hạn của ngân hàng sẽ rất khó khăn”, ông Minh phân tích.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay là mong muốn chính đáng của các doanh nghiệp và cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi song cần cân nhắc mức giảm phù hợp, lĩnh vực ưu tiên giảm lãi suất và cân đối theo biến động của thị trường trong nước và quốc tế.

Chuyên đề