Giải ngân đầu tư công ở Phú Thọ: Vượt khó khăn đẩy nhanh tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên, giải phóng mặt bằng (GPMB), nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Phú Thọ đã có nhiều chuyển biến so với cùng kỳ năm 2021, đạt 47,8% kế hoạch năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Phú Thọ đã giải ngân được hơn 1.532 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 47,8% kế hoạch năm. Ảnh minh họa: Tường Lâm
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Phú Thọ đã giải ngân được hơn 1.532 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 47,8% kế hoạch năm. Ảnh minh họa: Tường Lâm

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Phú Thọ cho biết, vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh Phú Thọ là 3.203,384 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân được 1.532,322 tỷ đồng, đạt 47,8% kế hoạch (cùng kỳ năm 2021 đạt 37%). Trong đó, vốn ngân sách trung ương giải ngân được 993,93 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm; ngân sách tỉnh giải ngân đạt 538,392 tỷ đồng, đạt 44,2% (vốn đầu tư công phân cấp về huyện, xã giải ngân được 105,207 tỷ đồng, đạt 26,8% kế hoạch năm).

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Vũ Lâm Tường, cán bộ thuộc Sở KH&ĐT Phú Thọ cho biết, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân tại các dự án đầu tư công được phân cấp về huyện, xã đạt thấp là do trong nửa đầu năm, cấp xã, huyện mới tổ chức đấu giá đất để đầu tư công trình, chứ ngân sách không sẵn có. Công tác lập, phê duyệt, điều chỉnh các dự án đầu tư công trên địa bàn được thực hiện đảm bảo đúng quy định, tiến độ thi công các dự án có nhiều chuyển biến. Mặc dù gặp khó khăn do thời tiết, một số vật liệu tăng giá, song các nhà thầu đã tìm cách khắc phục, cơ bản tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm của Tỉnh, của các huyện đảm bảo đúng yêu cầu đề ra, cao hơn tỷ lệ giải ngân đầu tư công của cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Phú Thọ đã phê duyệt chủ trương đầu tư 8 dự án, duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 2 dự án gồm: Trường THPT Chuyên Hùng Vương; Đường giao thông liên vùng kết nối Đường tỉnh 321B - Quốc lộ 70B - IC11 - Khu du lịch Ao Giời, Suối Tiên và đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa. Phú Thọ cũng đã duyệt 64 kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho 246 gói thầu, tổng giá trị 1.489 tỷ đồng (chủ yếu thuộc nhóm dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương năm 2022).

Phú Thọ đang tập trung hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: Đường nối từ Đường Hồ Chí Minh đến Đường tỉnh 320C; Cải tạo, nâng cấp đường giao thông kết nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 70B của tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Hòa Bình; Đường giao thông liên vùng kết nối Đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái; Trường THPT chuyên Hùng Vương; Nhà văn hóa nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Bên cạnh đó, Phú Thọ đã hoàn thành chuẩn bị thủ tục đầu tư 11 dự án giao thông (dự kiến bổ sung vốn khởi công năm 2022).

Bên cạnh đó, còn một số dự án vốn ngân sách trung ương năm 2022 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang triển khai các thủ tục đầu tư, GPMB nên chưa giải ngân hoặc giải ngân vốn đạt thấp. Đó là, Dự án Cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 313G huyện Tân Sơn (đoạn Quốc lộ 32 đi Quốc lộ 70B huyện Yên Lập) và đường nối Quốc lộ 70 đi Tỉnh lộ 313D huyện Yên Lập; Đường kết nối từ trung tâm huyện Thanh Ba đi Cụm công nghiệp Bãi Ba - Đông Thành qua Đường tỉnh 314 với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Đường giao thông kết nối từ Đường tỉnh 323 đến Quốc lộ 2 huyện Phù Ninh.

Sở KH&ĐT Phú Thọ cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tích cực chỉ đạo thực hiện nhanh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả việc phân bổ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ GPMB, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Bên cạnh đó, Phú Thọ sẽ thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn tại từng địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình... Các chủ đầu tư được yêu cầu lập kế hoạch tiến độ, cam kết chịu trách nhiệm về tiến độ giải ngân cho từng dự án, đảm bảo giải ngân 100% vốn kế hoạch trước 31/1/2023.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Đặng Đắc Tùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập - nhà thầu thực hiện công trình Trường THPT chuyên Hùng Vương - cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cả nhà thầu lẫn địa phương đều đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Nhà thầu trúng Gói thầu số 01 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Trường THPT chuyên Hùng Vương vào tháng 9/2020 (giá trúng thầu gần 323 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 36 tháng) và đang nỗ lực “cán đích” vào tháng 10/2022 để khánh thành công trình đúng dịp kỷ niệm 40 năm thành lập trường. Về cơ bản, phần xây dựng của công trình hiện đã hoàn thành, rút ngắn tiến độ khoảng 1 năm so với hợp đồng.

Chuyên đề