Giá thép tăng cao, nhà thầu gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước diễn biến giá nguyên liệu trên thế giới tăng, từ cuối tháng 12/2020 đến nay, thép xây dựng liên tục được điều chỉnh tăng giá bán. Theo phản ánh của nhà thầu, kể từ đầu tháng 4/2021 đến nay, thép xây dựng tăng giá từng ngày khiến nhiều nhà thầu chật vật xoay xở, thậm chí phải chịu lỗ.
Sắt thép chiếm tỷ lệ khá lớn trong giá trị các công trình xây dựng. Ảnh: Nhã Chi
Sắt thép chiếm tỷ lệ khá lớn trong giá trị các công trình xây dựng. Ảnh: Nhã Chi

Tăng giá “chóng mặt”

Theo báo giá thép xây dựng công bố ngày 13/4 của các DN lớn, giá thép xây dựng đang dao động ở mức 15,580 - 16,6 triệu đồng/tấn.

Cụ thể, tại miền Bắc, thép Hòa Phát ghi nhận giá tăng mạnh lên mức 15.580 đồng/kg với thép cuộn CB240; giá thép D10 CB300 ở mức 15.780 đồng/kg. Với thép Việt Ý, giá thép cuộn CB240 ở mức 15.740 đồng/kg, còn D10 CB300 tăng nhẹ lên mức 15.690 đồng/kg.

Tương tự, với thương hiệu thép Kyoei, sau khi tăng giá từ ngày 9/4, hiện giá thép cuộn CB240 và D10 CB300 lần lượt là 15.690 đồng/kg và 15.790 đồng/kg.

Tại thị trường miền Trung và miền Nam, theo phản ánh của nhiều nhà thầu, giá thép xây dựng cũng đang tăng cao.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trước diễn biến tăng giá nguyên liệu trên thế giới, giá bán thép trong nước cũng điều chỉnh tăng, nhất là vào cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021. Trong tháng 2/2021, giá thép giảm, song tăng trở lại vào tháng 3 vừa qua, đặc biệt là từ đầu tháng 4 trở lại đây. Giá thép xây dựng đầu tháng 4/2021 ở mức 15.500 - 16.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT, giao tại nhà máy) tùy thuộc vào chủng loại thép và từng DN (tại thời điểm tháng 12/2020, giá thép xây dựng khoảng 12.200 - 12.500 đồng/kg).

Bộ Công Thương cho biết, ngành thép dự báo tăng trưởng tương đối tốt trong năm 2021. Trong tháng 3/2021, sản lượng sắt thép thô ước đạt 2.142,5 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; thép cán ước đạt 707 nghìn tấn, tăng 47,9% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc ước đạt 723,3 nghìn tấn, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 3 tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán tăng lần lượt 14,4%; 54% so với cùng kỳ năm trước; riêng thép thanh, thép góc giảm 1,6%.

Mặc dù ngành thép có tăng trưởng ấn tượng về sản lượng nhưng diễn biến giá thép trong thời gian tới vẫn là điều khó dự báo.

Nhà thầu chật vật xoay xở

Sắt thép là loại vật tư thiết yếu đối với mọi công trình xây dựng. Trước tình hình giá vật liệu xây dựng, trong đó có giá thép tăng cao, nhiều nhà thầu xây dựng, nhất là các nhà thầu thực hiện các gói thầu theo loại hợp đồng trọn gói và đơn giá cố định đang chật vật xoay xở.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty TNHH Ngọc Khánh (Thanh Hóa) cho biết, giá thép xây dựng tăng đặt DN trước tình thế vô cùng khó khăn. Nếu như trước đây, để thi công công trình, DN chỉ cần lấy khối lượng thép theo từng hạng mục công việc, nhưng nay phải đặt hàng trước và trả tiền toàn bộ khối lượng thép cho công trình.

“Phải lấy trước toàn bộ khối lượng thép dùng cho công trình như vậy sẽ dồn áp lực tài chính lên nhà thầu. Lý do là, hiện các đơn vị kinh doanh thép yêu cầu nhà thầu muốn được cung cấp thép để thi công công trình thì phải trả trước ít nhất 80% giá trị đơn hàng mua sắm, thậm chí một số đơn vị yêu cầu nhà thầu phải thanh toán toàn bộ đơn hàng”, đại diện Công ty TNHH Ngọc Khánh chia sẻ.

Cũng theo Nhà thầu Ngọc Khánh, với việc giá thép tăng cao, nhiều gói thầu do nhà thầu này thực hiện theo hợp đồng trọn gói phải chịu lỗ từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng.

Tương tự, Công ty CP Xây dựng và Phát triển kinh doanh (Hà Nội), Công ty TNHH Bách Nhân Việt… cũng cho biết, thép xây dựng chiếm tỷ lệ khá lớn trong giá trị các công trình xây dựng nên việc giá thép tăng khiến DN gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh.

Theo đại diện Công ty CP Xây dựng và Phát triển kinh doanh (Hà Nội), tại một số gói thầu ký kết theo loại hợp đồng trọn gói có tính cả chi phí dự phòng, song mức chi phí này không đáng kể, không đủ để bù lỗ cho DN khi giá thép xây dựng tăng cao như hiện nay. Để ứng phó, DN phải ứng tiền trả cho các đơn hàng mua thép. Từ đầu năm tới nay, DN đã phải ứng khá nhiều tiền để chi trả cho các đơn hàng này. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế, vì đối với những công trình xây dựng kéo dài nhiều năm, không biết khi nào mới thu hồi vốn, nhà thầu gặp áp lực rất lớn khi khoản tiền đi vay phải trả lãi hàng tháng.

Trước khó khăn này, VSA khuyến nghị các DN thép nghiên cứu các dự báo thông tin thị trường thép, dự trữ nguyên liệu đảm bảo sản xuất trong ngắn hạn. Các DN trong Hiệp hội cùng phối hợp để ổn định thị trường trong nước.

Chuyên đề