Gạo ST24, ST25 được thế giới ưa chuộng

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu gạo ST24 và ST25 đang tăng trưởng tương đối tốt, ngược hẳn với xu hướng giảm của xuất khẩu gạo nói chung.
Xuất khẩu gạo ST25 tăng trưởng cao
Xuất khẩu gạo ST25 tăng trưởng cao

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 3 triệu tấn với trị giá 1,64 tỉ đô la Mỹ, giảm 14,8% về lượng và 4,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh chung đó, gạo ST25 và ST24 lại có mức tăng trưởng cao, dù mới được đưa vào sản xuất thời gian gần đây.

5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo ST24 đạt 23.560 tấn, tăng 800% so với cùng kỳ năm ngoái và gạo ST25 đạt 2.570 tấn, tăng đến 1.470% so với cùng kỳ. Trong đó, có khoảng 90% lượng gạo ST24 được bán cho Trung Quốc và gần như 100% gạo ST25 được xuất khẩu đi thị trường Mỹ.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), lượng xuất khẩu gạo ST24 và ST25 tăng cao do nguồn cung đang dần cải thiện trong khi nhu cầu ở các thị trường vẫn rất lớn. Thời điểm năm 2019, khi gạo ST25 mới đạt giải gạo ngon nhất thế giới, ông Hồ Quang Cua (cha đẻ của gạo ST25) phải mất 4-5 tháng để nhân giống và mất khoảng một năm sau mới cho thu hoạch. Đến năm 2021, lượng gạo ST25 bắt đầu nhiều hơn để bán ra thị trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang làm tốt khâu quảng bá sản phẩm này nhưng do vấn đề nguồn cung còn hạn chế nên số lượng xuất khẩu vẫn chưa được nhiều.

Ngoài Mỹ, thị trường EU cũng đang quan tâm đến gạo ST25. Song trong số 9 giống lúa thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU được hưởng ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch 30.000 tấn không bao gồm ST25. Nguyên nhân là do Việt Nam đã thương thảo với EU đối với 9 loại gạo thơm từ rất lâu và đây là những giống gạo phổ biến ở Việt Nam. Trong khi đó, gạo ST25 mới được biết đến rộng rãi từ năm 2019 sau khi chiến thắng cuộc thi gạo ngon nhất thế giới.

Chuyên đề