Gắn kết khu vực để thích ứng nhanh với sự thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2020 là năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Đây được xem là cơ hội lớn để doanh nghiệp (DN) Việt Nam tranh thủ tận dụng các cơ hội để gắn kết khu vực để thích ứng nhanh với những thay đổi trong chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch Covid-19 gây ra.
Gắn kết khu vực để thích ứng nhanh với sự thay đổi

Chia sẻ tại cuộc họp báo giới thiệu về các hoạt động doanh nghiệp trong năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì được tổ chức mới đây, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI kiêm Chủ tịch Hội đồng DN Đông Á (EABC) cho rằng, năm nay Việt Nam và ASEAN đều gặp khủng hoảng kinh tế chưa từng có trong lịch sử đại dịch Covid-19 gây ra và đây cũng là phép thử lớn đối với sự phát triển bền vững của các nước trên thế giới và các DN. Dường như khu vực Đông Nam Á có sự phát triển bền vững và vượt qua dịch bệnh tốt hơn khu vực khác trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những điểm sáng trong khu vực và trên toàn cầu về kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm phục hồi và tái khởi động nền kinh tế. Theo các dự báo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam được xem như nền kinh tế dẫn dắt kinh tế khu vực ASEAN, đi đầu và khả năng duy trì tăng trưởng cao nhất trong khu vực trong năm nay. Điều này như là có một sự trùng hợp may mắn với việc năm nay Việt Nam là nước chủ nhà chủ trì tổ chức các hoạt động của ASEAN.

Đại dịch đã tác động mạnh mẽ lên xu hướng dịch chuyển các chuỗi giá trị toàn cầu, dòng vốn đầu tư. Vì thế, ông Lộc cho rằng, nếu Việt Nam đi một mình thì không thể nắm bắt hết cơ hội, mà cần có sự hợp tác trong khu vực Đông Á.

Trong khuôn khổ năm ASEAN 2020, nhiều hoạt động được tổ chức không chỉ có sự tham gia của các nước thành viên ASEAN mà còn nhiều đối tác lớn trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương... Hơn nữa, Hiệp định RCEP với sự tham gia của các đối tác lớn của ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ đang được đẩy nhanh quá trình đàm phán để tiến tới ký kết... Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, việc tăng cường, gắn kết là phẩm chất quan trọng của mọi nền kinh tế để thích ứng nhanh với những thay đổi, nhất là đối với những nền kinh tế còn yếu.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Tập đoàn BRG, Chủ tịch Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN (ABA 2020) Nguyễn Thị Nga, việc các DN Việt Nam kết nối với các DN trong khu vực cũng như tham gia các giải thưởng cấp khu vực và quốc tế lâu nay vẫn còn khá dè dặt và khiêm tốn. Vào năm 2010 - năm Việt Nam làm Chủ tịch Giải thưởng ABA, bà Nga chia sẻ, trong số gần 700 hồ sơ tham gia, thì Việt Nam chỉ có khoảng 10 DN đăng ký tham gia và hầu hết đều là DN lớn. Nguyên nhân một phần là do thiếu thông tin, việc tuyên truyền về các giải thưởng dành cho DN chưa sâu rộng. Thứ hai là DN không biết mình đang ở đâu so với các DN trong nước và trong khu vực ASEAN.

Theo đánh giá của bà Nga, DN Việt Nam đang ở vị trí trung bình khá và khá. Với việc sớm kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19, đây là thời điểm thuận lợi để DN Việt Nam vươn lên ở tầm khu vực. Trong đó, Giải thưởng ABA mang lại cơ hội cho các DN tăng cường năng lực cạnh tranh, cũng như nâng cao thương hiệu trong toàn khu vực ASEAN.

Đáng chú ý, bà Nga cho biết, ABA 2020 có một điểm khác biệt rất lớn về cơ cấu giải thưởng, tạo cơ hội cho nhiều loại hình DN, chứ không riêng gì DN lớn. Giải thưởng ABA 2020 sẽ có 9 hạng mục: Ngành hội nhập ưu tiên (Priority Integration Sectors); DN vừa và nhỏ xuất sắc (SME Excellence); Doanh nhân trẻ tiêu biểu (Young Entrepreneur); Doanh nhân nữ tiêu biểu (Women Entrepreneur); DN gia đình (Family Business); Phát triển nguồn nhân lực (Skills Development); Đối tác thân thiết ASEAN (Friends of ASEAN); DN phát triển bao trùm (Inclusive Business) và Ứng phó Covid-19 (Combating Covid-19).

“So với 10 năm trước, DN Việt Nam đã lớn lên rất nhiều, độ tự tin cũng cao hơn. Đây chính là thời điểm cho những DN xuất sắc thể hiện bản lĩnh và trở nên nổi bật hơn khi có khả năng duy trì, tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh mà vẫn đảm bảo phòng, chống dịch bệnh an toàn. Chính vì vậy, ABA 2020 mang một tầm vóc đặc biệt, trong một bối cảnh đặc biệt, tôn vinh những DN đặc biệt trong toàn khu vực”, bà Nga nhận định.

Trong số các xu hướng đang phát triển trong khu vực và trên thế giới, theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, chuyển đổi số đang lên ngôi. Do đó, chủ đề của ASEAN BAC năm nay là “ASEAN số vì sự phát triển bền vững”, trong đó nhấn mạnh đến sự phát triển của kinh tế số trong khu vực gắn kết với phát triển xã hội. Dự án di sản ASEAN Digital STARS do ASEAN BAC chủ trì năm 2020 hỗ trợ DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ (MSMEs) chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ mang đến các cơ hội bình đẳng cho các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, doanh nhân trẻ, người nghèo…, đưa yếu tố con người vào trung tâm, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

“Những tháng đầu năm nay, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế trong khu vực, sản xuất bị gián đoạn, nhu cầu suy giảm, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, DN kinh doanh đình trệ… đặc biệt là các DN MSME. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, đây lại là cú hích thúc đẩy các DN nhanh chóng chuyển đổi số để tồn tại và tiếp tục phát triển trong bối cảnh hậu Covid-19”, ông Đoàn chia sẻ.

Chuyên đề