Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội 10 năm thi công vẫn chưa hoàn thành |
Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm, được chia thành 9 gói thầu chính. Dự án được khởi công từ tháng 6/2010 và ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Đây là tuyến đường sắt đô thị thí điểm của Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội do UBND TP. Hà Nội quyết định với tổng mức đầu tư 1.176 triệu euro (tương đương 32.910 tỷ đồng).
Đến nay, sau hơn 10 năm thi công mới đạt 62% tổng khối lượng, trong đó đoạn đi trên cao đạt 73,28%. Do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công nên Dự án được điều chỉnh tiến độ thực hiện từ 2018 đến 2022.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện Chủ đầu tư), do Dự án kéo dài, phát sinh thời gian so với hợp đồng nên các nhà thầu quốc tế yêu cầu Chủ đầu tư là UBND TP. Hà Nội bổ sung khoản chi phí khá lớn.
Cụ thể, từ đầu năm 2018, Nhà thầu Công ty TNHH Dealim (Hàn Quốc) đề nghị bổ sung 19,1 triệu USD đối với Gói thầu tuyến đoạn trên cao, sau đó được tạm chốt còn 6,6 triệu USD. Lý do là Gói thầu kéo thời thời gian thực hiện là 26,5 tháng, chậm bàn giao mặt bằng khoảng 18 tháng so với cam kết.
Nhà thầu Posco E&C (Hàn Quốc) đề nghị bổ sung 7,22 triệu USD đối với Gói thầu các ga trên cao (hiện các bên liên quan đang đàm phán), do kéo dài thời gian thực hiện thêm 24 tháng. Còn Nhà thầu Colas Rail (Pháp) yêu cầu bổ sung 1,47 triệu euro đối với Gói thầu hệ thống đường sắt 2 do kéo dài thời gian thực hiện thêm 21 tháng so với hợp đồng gốc...
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, đã cùng các tư vấn tiến hành rà soát và đàm phán rất nhiều lần với các nhà thầu về vấn đề này. Bên cạnh đó, các khó khăn, vướng mắc khác như tính chất đặc thù trong công tác đấu thầu; kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng.
Việc điều chỉnh tiến độ Dự án thực hiện hợp đồng được thực hiện theo quy định theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định hiện hành chưa có hướng dẫn chi tiết việc tính toán chi phí phát sinh khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng.
“Nguồn vốn bổ sung được lấy từ chi phí dự phòng của gói thầu hoặc chi phí còn dư sau đấu thầu của gói thầu. Vì vậy, không làm tăng dự toán gói thầu cũng như tổng mức đầu tư đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt, nên không bị đội vốn”, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết thêm.
Được biết, mới đây UBND TP. Hà Nội có công văn gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị hướng dẫn việc bổ sung chi phí do kéo dài thời gian các gói thầu xây lắp thuộc Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội do việc bổ sung chi phí thực hiện các gói thầu như trên chưa có quy định và chưa có tiền lệ.