Theo ghi nhận, không phải tất cả các doanh nghiệp trên sàn hiện nay đều thuộc nhóm 267 ngành kinh doanh có điều kiện.
Vì vậy, doanh nghiệp niêm yết hoàn toàn tự chủ trong việc biểu quyết có nới room hay không. Một số công ty thậm chí chỉ cần điều chỉnh điều lệ là có thể tiến hành nới room.
Nguồn HSC.
Với những trường hợp như này, công ty chỉ cần rút các ngành nghề kinh doanh có điều kiện ra khỏi điều lệ công ty.
Theo công ty chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC), thời gian để điều chỉnh điều lệ doanh nghiệp là khoảng vài tuần nên sắp tới có thể sẽ có thêm 3-4 công ty sẽ sớm nới room.
Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp lẽ ra phải là một con số lớn hơn nhiều nếu các công ty với lĩnh vực kinh doanh chính không thuộc diện bị hạn chế lại muốn trì hoãn quyết định.
Nguyên nhân chính của hiện tượng này, theo HSC, rơi vào 1 trong 2 khả năng. Đó là các doanh nghiệp hiện còn chưa hết room nên sẽ không có mấy áp lực phải nâng room.
Còn ở các trường hợp khác là doanh nghiệp còn e ngại do thiếu hướng dẫn cụ thể.
Nguồn HSC.
Cụ thể, với các doanh nghiệp như MWG và HCM, có vẻ các công ty này e ngại sẽ gặp những hạn chế ở một số hoạt động nhất định khi trở thành công ty thuộc sở hữu nước ngoài.
Còn STK, công ty lo ngại sẽ phải công bố nhiều thông tin hơn khi trở thành công ty thuộc sở hữu nước ngoài.
Như vậy, việc từ sau SSI mở room 100% cho nhà đầu tư nước ngoài, có rất ít công ty đăng ký nới room đã là điều có thể hiểu được. Chính sách nới Room vẫn cần những văn bản hướng dẫn đầy đủ hơn. Chừng nào luật còn chưa đủ, sự thận trọng vẫn sẽ là ưu tiên của doanh nghiệp.
Theo HSC, trước mắt, doanh nghiệp có thể trông đợi vào sự thay đổi trong định nghĩa về doanh nghiệp nước ngoài. Gần đây, UBCK đã đề cập đến khả năng nâng tỷ lệ sở hữu xác định doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội từ 51% lên 65% trong năm nay.
Điều này có thể sẽ khuyến khích thêm doanh nghiệp tham gia nới room nếu họ tin rằng những cơ quan bộ ngành khác cũng thống nhất ý kiến với UBCK về vấn đề này.