Đua lãi suất huy động VND: Thêm ngân hàng tăng lãi suất cho vay

Do nhiều ngân hàng đẩy mạnh việc tăng lãi suất đầu vào nên lãi suất cho vay bình quân đã tăng 0,15% so với đầu năm. Chu kỳ lãi suất cho vay hiện tại đã lập đáy tại 9,36% vào tháng 2 vừa qua.
Đua lãi suất huy động VND: Thêm ngân hàng tăng lãi suất cho vay (ảnh minh hoạ).
Đua lãi suất huy động VND: Thêm ngân hàng tăng lãi suất cho vay (ảnh minh hoạ).

Công ty chứng khoán TPHCM (HSC) vừa công bố kết quả khảo sát lãi suất tháng 3 cho thấy, cả lãi suất huy động và cho vay VND tăng nhẹ. Theo kết quả khảo sát, lãi suất huy động bình quân tiền đồng tăng nhẹ trong tháng 3 (tại thời điểm cuối tháng 3 tăng nhẹ 0,06% lên 6,02% từ mức 5,96% của tháng 2 và tăng 0,12% so với đầu năm). Với mức lãi suất huy động bình quân tiền đồng tại thời điểm cuối tháng 3/2015 là 5,74%, chu kỳ lãi suất huy động hiện tại đã lập đáy tại 5,69% vào tháng 5/2015.

Trên thực tế thời gian qua, nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất huy động và chỉ có rất ít ngân hàng hạ lãi suất huy động. Một số ngân hàng lớn chẳng hạn như BID, Vietcombank và Maritime Bank đã nâng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn với mức nâng từ 0,2 - 1%. Lien Viet Bank cũng nâng lãi suất huy động kỳ hạn 3 - 4 tháng thêm 0,2 - 0,4% và kỳ hạn 18 - 36 tháng thêm 0,1-0,5%. Agribank, ABBank, STB và PVCom Bank nâng lãi suất huy động thêm 0,1 - 0,7%.

Trong khi đó MB, VIB và SHB nâng lãi suất huy động ở một số kì hạn dài thêm 0,1 - 0,6%.

Theo đó, OCB và Ngân hàng Xây dựng đang là hai ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất. Cụ thể các ngân hàng này áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (1-4 tháng) là 5,35,5%/năm; trung hạn (6-9 tháng) 6,4-6,7%/năm và dài hạn (từ 12 tháng trở lên) là 7,2-8%/năm.

Do nhiều ngân hàng đẩy mạnh việc tăng lãi suất đầu vào nên lãi suất cho vay bình quân tăng nhẹ 0,06% lên 9,42% so với mức 9,36% của tháng 2; và tăng 0,15% so với đầu năm (lãi suất cho vay bình quân tại thời điểm cuối tháng 3/2015 là 9,55%). Như vậy, chu kỳ lãi suất cho vay hiện tại đã lập đáy tại 9,36% vào tháng 2 năm nay.

Dữ liệu thống kê từ HSC cho thấy, Techcombank đã nâng thêm lãi suất cho vay từ 0,1-3,1% đối với kỳ hạn ngắn và 0,3-0,9% đối với kỳ hạn trung và dài; tùy thuộc mức tín nhiệm tín dụng của khách hàng. ACB tăng lãi suất cho vay trung dài hạn thêm 0,17-0,21%.

Vietcombank và Agribank có lãi suất cho vay ngắn hạn thấp nhất là 7%/năm. Trong khi đó, Agribank và EIB có lãi suất cho vay trung hạn thấp nhất là 9%/năm. Còn ACB có lãi suất cho vay dài hạn thấp nhất là 9,179,23%/năm cho kỳ hạn 3-9 năm (và tăng thêm 0,06%/năm nếu kỳ hạn tăng thêm 3 năm).

“Đây là động thái tăng lãi suất cho vay đầu tiên trước xu hướng tăng lãi suất huy động (lãi suất huy động đã liên tục tăng trong vài tháng qua). Với các ngân hàng lo ngại về đề xuất thay đổi trần rủi ro thanh khoản theo Thông tư 36 (tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn tối đa được đề xuất giảm từ 60% xuống 40%), chúng tôi thấy các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động kể từ đầu năm. Và điều này đã làm cho lãi suất tăng”, nhóm nghiên cứu thị trường đánh giá.

Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia đánh giá, nguyên nhân chủ yếu của đợt tăng lãi suất kỳ dài hạn do tín dụng trung dài hạn năm 2015 tăng trên 30% đặt ra nhu cầu cần cơ cấu lại nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng thương mại. Cùng với đó là việc các ngân hàng thương mại tăng tỷ trọng huy động vốn trung dài hạn nhiều hơn nhằm đón đầu trước quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 60% xuống 40% theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN.

Vậy nên, Uỷ ban Giám sát dự đoán, trong năm 2016, lãi suất sẽ tăng thêm khoảng 1 điểm % so với năm 2015 do: lạm phát năm 2016 cao hơn năm 2015; nhu cầu tăng vốn huy động của hệ thống TCTD (do vốn huy động những tháng đầu năm tăng trưởng chậm hơn tín dụng); tăng vốn huy động kỳ dài hạn nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 36 sửa đổi.

Tuy nhiên, “lãi suất cho vay sẽ vẫn trong mức kiểm soát để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, báo cáo nhấn mạnh.

Các chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, năm nay, Ngân hàng Nhà nước dự báo tăng trưởng tín dụng là 18-20%, để đạt được mục tiêu này, các ngân hàng sẽ phải tăng cường đáng kể vốn huy động. Đặc biệt là khi hệ số LDR (hệ số cho vay so với tiền gửi) trong hệ thống đã khá cao. Toàn bộ điều này cho thấy lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng.

Chuyên đề