Dư địa nào cho giảm lãi suất năm 2024?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước áp lực về tăng trưởng kinh tế yếu và lạm phát hạ nhiệt, một số ngân hàng trung ương trên thế giới được dự đoán sẽ giảm lãi suất trở lại sau nhiều đợt tăng mạnh trong thời gian qua. Trong bối cảnh đó, tại Việt Nam, mặt bằng lãi suất có còn dư địa cắt giảm thêm sau 4 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023?
Trong tháng 12/2023, một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động. Ảnh: Ngọc Thắng
Trong tháng 12/2023, một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động. Ảnh: Ngọc Thắng

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định giữ nguyên mức lãi suất lần thứ ba liên tiếp và cho biết sẽ có nhiều đợt cắt giảm trong năm 2024. Với việc lạm phát tiếp tục "hạ nhiệt" và nền kinh tế vận hành ổn định, các nhà hoạch định chính sách trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã bỏ phiếu nhất trí giữ lãi suất vay qua đêm chuẩn trong phạm vi 5,25 - 5,5%. Bên cạnh quyết định giữ nguyên lãi suất, các thành viên FOMC cho biết sẽ có ít nhất 3 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024. Con số này thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 4 lần, nhưng nhiều hơn những gì các quan chức Fed đưa ra trước đó.

Tại châu Âu, giới nghiên cứu cũng dự đoán, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024 và sau đó tiến hành cắt giảm 0,25 điểm phần trăm tại mỗi cuộc họp vào năm tới. Giới nghiên cứu cho rằng, nếu phải chờ đợi quá lâu để cắt giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương có thể gây tổn hại cho các nền kinh tế đang suy yếu, đặc biệt tại khu vực đồng euro vốn đã trì trệ trong cả năm nay, hoặc gây khó khăn cho các chính phủ đang nặng nợ như Italia.

Tại Việt Nam, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện 4 đợt giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhằm thúc đẩy doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Kết quả là, mặt bằng lãi suất trong nước có xu hướng giảm dần. Trong tháng 12/2023, một số ngân hàng công bố tiếp tục giảm lãi suất huy động xuống mức rất thấp so với cuối năm trước. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện phổ biến ở mức 4,75% - 5%, giảm mạnh so với mức khoảng 10% cuối năm 2022; lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng hiện phổ biến ở mức 4,35% - 4,6%, thấp hơn nhiều so với mức 8,2% - 9,9% cuối năm 2022.

Về lãi suất cho vay, các ngân hàng cho biết, lãi suất cho vay ngắn hạn hiện phổ biến ở mức khoảng 8% - 9%, lãi suất cho vay mua nhà chỉ còn 6,6% - 7,7% trong thời hạn ưu đãi từ 12 tháng đến 36 tháng, sau đó được thả nổi ở mức khoảng 10% - 12%. Như vậy, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1,5 đến 2 điểm % so với cuối năm 2022.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cách điều hành lãi suất khác nhau trong năm 2023. Ảnh: Minh Dũng

Các ngân hàng trung ương trên thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có cách điều hành lãi suất khác nhau trong năm 2023. Ảnh: Minh Dũng

Ngân hàng UOB Việt Nam dự báo, NHNN sẽ giữ lãi suất điều hành ổn định trong năm 2024. Theo UOB, NHNN đã phản ứng nhanh chóng trước tình trạng suy thoái kinh tế hồi đầu năm nay bằng việc nhanh chóng cắt giảm lãi suất. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023 đã hạ lãi suất tái cấp vốn tích lũy xuống 150 điểm cơ bản, còn 4,5%. Với tốc độ tăng trưởng của các hoạt động kinh tế đang được cải thiện và tỷ lệ lạm phát đã xuống dưới mức mục tiêu, ít có khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất. Thực tế, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

“Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu NHNN đảm bảo đủ nguồn cung tín dụng trong thời gian còn lại của năm nay, vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% - 15% năm 2023 có thể kém vài điểm phần trăm. Do đó, chúng tôi tin rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%, rút lại dự báo cắt giảm 100 điểm cơ bản trước đó của chúng tôi”, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết.

Về lãi suất huy động, nhóm nghiên cứu của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, lãi suất huy động khó giảm thêm sau khi đã giảm sâu về mốc trước dịch Covid-19. Lãi suất cho vay dự báo giảm nhưng tốc độ chậm và tiếp tục thể hiện sự phân hóa. Theo đó, biến động lãi suất cho vay có độ trễ so với lãi suất huy động. Biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng trong xu hướng giảm, trong khi nợ xấu có xu hướng tăng sẽ khiến các ngân hàng có xu hướng thận trọng về “khẩu vị” rủi ro đối với các khoản tín dụng. Do đó, sự phân hóa trong mức giảm lãi suất cho vay sẽ vẫn diễn ra.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, các ngân hàng trung ương trên thế giới và NHNN Việt Nam có cách điều hành lãi suất khác nhau trong năm 2023 dựa theo diễn biến của từng nền kinh tế và tác động từ bên ngoài. Năm 2024, xu hướng lãi suất của các nước có thể còn nhiều biến động. Theo đó, lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Fed, có thể sẽ giảm từ giữa năm sau nhưng mức giảm sẽ nhỏ giọt bởi phải cân đối với khả năng ứng phó với lạm phát.

Với Việt Nam, ông Hiếu dự đoán, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có thể sẽ tăng từ quý II/2024 chủ yếu do nền kinh tế dự báo sẽ khởi sắc trở lại, từ đó thúc đẩy nhu cầu về vốn khiến các ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút vốn. Năm 2024, mục tiêu tăng trưởng GDP Việt Nam là 6 - 6,5%, cao hơn mức đạt được khoảng 5% của năm nay.

Chuyên đề