Dư địa lớn cho dòng vốn đầu tư mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với nhiều tiềm năng, lợi thế, chính sách cải cách, ưu đãi vượt trội và đặc biệt là chính quyền tận tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp, Thái Nguyên hội đủ những yếu tố tốt nhất cho các nhà đầu tư tìm kiếm một môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả. Chọn “hành trình xanh, thông minh, bản sắc”, Thái Nguyên còn rất nhiều dư địa để đón dòng vốn mới theo những lĩnh vực ưu tiên thu hút, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển tại Quy hoạch Tỉnh.
Thái Nguyên đã quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, sẵn sàng đón nguồn vốn FDI. Ảnh: Mạnh Hùng
Thái Nguyên đã quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, sẵn sàng đón nguồn vốn FDI. Ảnh: Mạnh Hùng

Phóng viên Báo Đấu thầu có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Hiếu - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên - xung quanh câu chuyện thu hút đầu tư của Tỉnh.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu

Ông Nguyễn Trọng Hiếu

Thưa ông, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tình hình thu hút đầu tư vào Thái Nguyên 6 tháng đầu năm 2023 có bị suy giảm?

6 tháng đầu năm 2023, dù kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, nhưng thu hút đầu tư của Tỉnh vẫn có tín hiệu tốt. Thái Nguyên vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đến nay đã thu hút được nhiều dự án.

Thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư, trong đó có các tập đoàn lớn, đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, nghiên cứu mở rộng sản xuất kinh doanh tại Thái Nguyên. Nhiều doanh nghiệp hiện đang đầu tư tại Tỉnh, như Tập đoàn Samsung, dự kiến nếu thị trường ổn định sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư.

Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Những nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Samsung đã tạo ra điểm nhấn về thu hút đầu tư, giúp nhiều doanh nghiệp khác biết đến Thái Nguyên. Doanh nghiệp FDI tạo ra công ăn việc làm rất lớn cho địa phương và các tỉnh lân cận, đóng góp quan trọng vào tỷ trọng xuất khẩu, thu ngân sách của Tỉnh. Đặc biệt, doanh nghiệp FDI cũng lan tỏa văn hóa làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, sự quan tâm đối với đời sống, sức khỏe người lao động...

Điều gì làm nên sức hấp dẫn, lợi thế của Thái Nguyên trong thu hút đầu tư, thưa ông?

Lợi thế lớn của Thái Nguyên, theo tôi, là dư địa thu hút đầu tư vẫn còn nhiều. Quỹ đất sạch, sẵn sàng để nhà đầu tư triển khai dự án là điều rất quan trọng. Thái Nguyên đã quy hoạch và xây dựng được các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn, sẵn sàng đón nguồn vốn FDI, cũng như có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp vào khu công nghiệp.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, về thu hút FDI, trong tháng 7/2023, ước tính toàn Tỉnh có 7 dự án cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 34,25 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, toàn Tỉnh có 21 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 145,51 triệu USD, 3 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký đạt 7,45 triệu USD.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn Tỉnh có 191 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 10,5 tỷ USD.

Tỉnh cũng đẩy mạnh đầu tư và hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tập trung bố trí nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện, viễn thông, cấp thoát nước, dịch vụ và thương mại.

Đặc biệt, điều mà nhà đầu tư đánh giá cao là chính quyền Tỉnh luôn ý thức phục vụ doanh nghiệp một cách tận tâm, trách nhiệm, lăn xả, thường xuyên đến tận nơi doanh nghiệp cần để tháo gỡ khó khăn. Quan điểm của lãnh đạo Tỉnh là làm thế nào để doanh nghiệp hài lòng nhất thì cán bộ mới hoàn thành trách nhiệm. UBND Tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương thực hiện phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, hỗ trợ tối đa, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Trong đó, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh luôn được các cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm hàng đầu. Khi nhà đầu tư vào là cử cán bộ theo sát, thực hiện thủ tục hành chính một cửa liên thông.

Về nguồn nhân lực, là trung tâm đào tạo lớn của cả nước, Thái Nguyên có nguồn nhân lực dồi dào, cả lao động phổ thông và lao động có trình độ.

Cùng với đó là những lợi thế tĩnh từ vị trí địa lý - nằm ở trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, khí hậu ôn hòa, tài nguyên thiên nhiên phong phú…, là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư vào Thái Nguyên.

Tỉnh định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới như thế nào để thực hiện các mục tiêu phát triển, thưa ông?

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở Quy hoạch, Thái Nguyên đang lập các kế hoạch triển khai. Mục tiêu của Thái Nguyên là đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi phía Bắc…

Phát biểu tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo Tổ hợp Samsung Việt Nam ngày 17/3/2023, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định: Trong suốt thời gian gần 10 năm hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Samsung luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, đồng hành của các cấp, ngành và người dân tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên. Từ một dự án ban đầu với số vốn 2 tỷ USD, chỉ sau 1 năm, Dự án đã tăng thêm 3 tỷ USD. Liên tục sau đó, Samsung giữ lời hứa thực hiện cam kết tăng vốn đầu tư và mở rộng sản xuất. Gần đây nhất, Samsung đã tăng vốn thêm 1.187 triệu USD vào Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên, nâng tổng mức đầu tư của Tập đoàn tại Thái Nguyên lên hơn 7,5 tỷ USD. Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên cũng cam kết sẽ tiếp tục duy trì sản xuất ổn định hoặc tăng trưởng cao hơn so với năm 2022, nghiên cứu tiếp tục đầu tư sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, thử nghiệm vào tháng 5 và chính thức đi vào sản xuất từ tháng 11/2023.

Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên quốc gia, trong khu vực và toàn cầu. Ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, có thương hiệu toàn cầu, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài vào lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khác.

Về lĩnh vực thu hút đầu tư, hiện nay, Thái Nguyên là một trong những thủ phủ công nghệ điện tử của cả nước. Để phát triển bứt phá, mạnh mẽ hơn, trong thời gian tới, Tỉnh tiếp tục định hướng tập trung thu hút đầu tư vào công nghệ điện tử. Đồng thời, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ, chế biến nông, lâm sản có lợi thế cạnh tranh; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, sân golf vì Thái Nguyên có lợi thế sườn Đông của Tam Đảo; song hành phát huy những lĩnh vực mạnh như công nghiệp nặng, gang thép, vật liệu xây dựng…

Theo Quy hoạch Tỉnh, đến năm 2030 Thái Nguyên có dư địa trên 6.000 ha đất phục vụ phát triển công nghiệp. Trong đó có 4.245 ha là đất phát triển, mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, 2.057 ha đất phát triển 41 cụm công nghiệp. Đây là tiềm năng để Thái Nguyên thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử và công nghiệp thân thiện môi trường. Hiện nay, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn đã và đang được đầu tư hạ tầng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư.

Một số cam kết của tỉnh Thái Nguyên với nhà đầu tư

Thứ nhất: Thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND Tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía doanh nghiệp.

Thứ hai: Hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Thứ ba: Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ tư: Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động, cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật.

Thứ năm: Cam kết cung cấp đủ điện, nước 24/24 giờ cho các doanh nghiệp. Đầu tư lưới điện đến chân hàng rào dự án cho doanh nghiệp đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp.

Thứ sáu: Hỗ trợ tốt nhất công tác giải phóng mặt bằng, áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp trong khung quy định của Chính phủ về miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước...

(Nguồn: Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên)

Chuyên đề