Mở lối cho công nghiệp cất cánh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển 2 vùng kinh tế - xã hội là phía Bắc và phía Nam. Vùng phía Nam (bao gồm 3 thành phố: Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên và 2 huyện: Phú Bình, Đại Từ) là khu vực đô thị hoá tập trung, là hạt nhân, động lực phát triển. Vùng phía Bắc (gồm các huyện còn lại) được định hướng phát triển nông, lâm nghiệp, khai thác khoáng sản, bảo tồn các di tích lịch sử, vùng bảo vệ thiên nhiên…
Tổ hợp Samsung đã đầu tư trên 7 tỷ USD tại Thái Nguyên, giá trị xuất khẩu khoảng 28 tỷ USD mỗi năm, tạo việc làm cho trên 70.000 lao động. Ảnh: Minh Đức
Tổ hợp Samsung đã đầu tư trên 7 tỷ USD tại Thái Nguyên, giá trị xuất khẩu khoảng 28 tỷ USD mỗi năm, tạo việc làm cho trên 70.000 lao động. Ảnh: Minh Đức

Với lợi thế sẵn có và tiềm năng to lớn, vùng phía Nam đang được kỳ vọng trở thành đầu tàu tăng trưởng của Thái Nguyên trong tương lai gần.

Đầu tàu công nghiệp, đô thị kiểu mẫu của Thái Nguyên

Với lợi thế gần các trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội, Bắc Ninh và tiếp giáp với các tuyến đường giao thông như Quốc lộ 1, Quốc lộ 3, Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội…, Thái Nguyên trong vài năm trở lại đây trở thành nơi thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Quy hoạch, vùng động lực kinh tế phía Nam Thái Nguyên sẽ tập trung phát triển kinh tế gắn với các trục giao thông, chuỗi đô thị kết nối với Thủ đô Hà Nội, phát triển các trung tâm đô thị, khu công nghiệp (KCN) tập trung và các khu vực dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, thể dục thể thao.

Tại TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã và đang xây dựng mới 16 KCN, cụm công nghiệp kết nối với chuỗi đô thị hiện đại. Trong đó, 4 KCN quy hoạch mới tại TP. Phổ Yên đều là các KCN kết hợp chuỗi đô thị như KCN Yên Bình 2 (301 ha); KCN - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên (quy mô lớn nhất 1.128 ha, trong đó có 868 ha đất KCN, 260 ha đất đô thị - dịch vụ)...

Nhờ có quy hoạch bài bản, nên Phổ Yên là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trọng điểm của Thái Nguyên. Đến nay, TP. Phổ Yên có 28 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 9 tỷ USD; 19 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 5.700 tỷ đồng. Riêng Tổ hợp Samsung đã đầu tư trên 7 tỷ USD, giá trị xuất khẩu khoảng 28 tỷ USD mỗi năm, tạo việc làm cho trên 70.000 lao động và đóng góp lớn cho việc hình thành chuỗi công nghiệp của địa phương.

Cùng với sự phát triển mạnh về công nghiệp, Phổ Yên gần đây thu hút nhiều dự án đô thị công nghệ cao. Trong đó, đầu năm 2023, Dự án Khu đô thị (KĐT) Nam Thái quy mô hơn 24,68 ha của Công ty CP FECON với mức đầu tư 2.250 tỷ đồng được triển khai, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2026. Ngoài ra, chuỗi đô thị đã và đang hình thành ven các KCN lớn của TP. Phổ Yên như: KĐT Yên Bình (74 ha); KĐT Viko City (hơn 38 ha); KĐT Việt Hàn (hơn 38 ha)...

Tương tự Phổ Yên, Sông Công là một thành phố công nghiệp trọng điểm của Thái Nguyên nên tập trung các KĐT với mật độ dày đặc. Thành phố hiện có gần 10 KĐT, trong đó có KĐT sinh thái dọc sông Công - Khu A hơn 48 ha với vốn đầu tư hơn 756 tỷ đồng, KĐT và dịch vụ tiện ích Sông Công 2 (33,3 ha), KĐT xanh Phổ Yên (11 ha), KĐT Kosy (40 ha)… đang được đầu tư xây dựng, với mục tiêu sớm đưa Sông Công trở thành đô thị loại I của Thái Nguyên trước năm 2030.

Trong bức tranh quy hoạch chuỗi đô thị phía Nam, phải kể đến các KĐT phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, dịch vụ kết nối TP. Thái Nguyên với hai huyện là Đại Từ và Phú Bình. Đó là KĐT Danko City rộng hơn 50 ha, là dự án đô thị chất lượng cao trọng điểm của Thái Nguyên với quy hoạch toàn diện, đa chức năng, là điểm nhấn trong bức tranh quy hoạch tương lai; KĐT New Horizon City (40 ha), The Hills Villa (hơn 80 ha), Crown Villas (hơn 35 ha)… mang đến cho Thái Nguyên diện mạo khang trang, hiện đại với kết cấu hạ tầng hoàn thiện.

Khát vọng đưa trục tăng trưởng phía Nam cất cánh

Từ một tỉnh thuần nông với điều kiện không thuận lợi về tự nhiên, giao thông, song với hướng đi đúng đắn và quy hoạch bài bản, Thái Nguyên hiện là địa phương có các chỉ số kinh tế tăng trưởng cao. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đứng thứ 12 cả nước, là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước và thứ 2 ở trung du miền núi phía Bắc được phê duyệt quy hoạch.

Trong những năm qua, vùng kinh tế Nam Thái Nguyên đã phát triển bứt phá nhanh chóng nhờ động lực tăng trưởng chính là cụm ba đô thị TP. Phổ Yên, TP. Thái Nguyên và TP. Sông Công. Ba đô thị hạt nhân này vừa phát triển công nghiệp công nghệ cao, vừa tương hỗ nhau trong phát triển các dự án hạ tầng giao thông, kết nối thành vùng kinh tế có sức cạnh tranh cao tại phía Bắc.

Đơn cử, Phổ Yên trước đây là một huyện có hơn 95% diện tích đất dành cho nông nghiệp, qua quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Trong 10 năm trở lại đây, Phổ Yên được coi là “rốn” thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn như Samsung, Lotte, BRG, Saigontel…

Năm 2021, đóng góp của riêng TP. Phổ Yên cho ngân sách Thái Nguyên là 7.000 tỷ đồng (gần 40%). Thành phố công nghiệp công nghệ cao này cũng đóng góp 97% kim ngạch xuất khẩu, 92% giá trị sản xuất công nghiệp. Với lợi thế về công nghiệp công nghệ cao, Phổ Yên đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của vùng kinh tế phía Nam tỉnh Thái Nguyên.

Chính vì vậy, khu vực phía Nam được ưu tiên phát triển hệ thống chuỗi đô thị - công nghệ cao, kỳ vọng giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có 9 đô thị: 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại II, 2 đô thị loại IV, 4 đô thị loại V. Với định hướng đúng đắn và được quy hoạch bài bản, đây là cơ hội để vùng kinh tế phía Nam tăng tốc, bứt phá, trở thành đầu tàu kết nối kinh tế Thái Nguyên và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc với Hà Nội và các tỉnh công nghiệp trọng điểm Đồng bằng sông Hồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét, mặc dù trong vài năm trở lại đây, Thái Nguyên, đặc biệt là khu vực phía Nam có tốc độ phát triển nhanh, đô thị hoá sớm, song kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ với yêu cầu phát triển, hệ thống giao thông kết nối với vùng và cả nước chưa hoàn thiện và đặc biệt là chất lượng mỹ quan đô thị chưa cao, chưa có bản sắc rõ ràng. Với ưu thế có quy hoạch rõ ràng, bài bản, Thái Nguyên cần tuân thủ nghiêm ngặt các mục tiêu, định hướng đề ra.

Về xây dựng đô thị thông minh, công nghiệp công nghệ cao, ông Võ cho rằng, đây là mục tiêu của nhiều địa phương nhưng hiện thực hoá là thách thức rất lớn. Muốn làm được, ngay từ bây giờ, Thái Nguyên cần chuẩn bị tốt quy hoạch sử dụng đất cho 10 năm, 30 năm, thậm chí 50 năm.

“Các đô thị hiện hữu đồng bằng Bắc Bộ phát triển tự phát theo phương thức vết dầu loang, hạn chế về dư địa phát triển. Trong khi quy hoạch phát triển của Thái Nguyên theo chuỗi liên kết các thành phố, chuỗi đô thị theo kiểu một đô thị trung tâm kết hợp với 2 - 3 đô thị vùng ven để tạo thành chuỗi đô thị xanh, hiện đại. Tỉnh cần kết hợp phát triển đô thị gắn với giao thông (TOD) sẽ giúp hạ tầng hoàn chỉnh và hiện đại hơn”, GS. Đặng Hùng Võ khuyến nghị.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Việt Nam, việc phát triển đô thị - công nghiệp hướng về phía Nam là mấu chốt để tương lai khu phía Nam trở thành động lực kết nối với Thủ đô Hà Nội, sân bay Nội Bài và các tuyến đường cao tốc ra Hải Phòng, Quảng Ninh. Để phát huy hơn nữa thế mạnh, Thái Nguyên cần từng bước thực thi quy hoạch không gian cho phát triển công nghệ cao, xanh, hiện đại. Tỉnh cần có tầm nhìn chiến lược, vượt tư duy nhiệm kỳ để xây dựng tốt không gian phát triển cho các thành phố phía Nam. Cần rút kinh nghiệm từ bài học của nhiều đô thị phía Bắc là không có dư địa khi mở rộng quy mô, cơ cấu kinh tế và số dân.

Chuyên đề