Thị trường bất động sản năm 2016 đang đi đúng lộ trình với chu kỳ tăng mạnh. Ảnh: LTT |
Niềm tin thị trường gia tăng
Tại Hội nghị Triển vọng đầu tư năm 2016 - Sự trở lại của thị trường BĐS tổ chức ngày 9/3/2016 tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nếu như cuối năm 2011, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam có rất nhiều màu xám, thì từ năm 2015 và đến đầu năm 2016 tình hình đã sáng sủa hơn nhiều. Thời điểm năm 2011, lạm phát lên đến 18,13%/năm, trong khi đó lãi suất luôn ở mức khoảng 20%/năm, có những khoản vay lên đến 30%/năm.
Vẫn theo bà Nguyễn Thị Hồng, hiện nay lạm phát được kiểm soát rất tốt, năm 2015 là dưới 1%. Lạc quan hơn khi mức tăng trưởng của năm ngoái đạt 6,68%, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Đặc biệt, lãi suất của NH chỉ còn bằng 40% của năm 2011. Đó là chưa kể, NHNN đã gia tăng dự trữ ngoại hối, hệ thống tổ chức tín dụng đã lành mạnh hơn. Sự ổn định kinh tế vĩ mô là một điều kiện vô cùng quan trọng cho tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có thị trường BĐS.
Việt Nam đang nằm trong nhóm những nước có tốc độ tăng trưởng cao, vì vậy môi trường đầu tư ở Việt Nam đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư tìm đến, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định, chỉ số niềm tin người tiêu dùng ở Việt Nam đang ở mức cao, nền kinh tế có chỉ số cải thiện niềm tin của người tiêu dùng tốt, trong đó có thị trường BĐS.
Ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield cho rằng, sự trưởng thành và phát triển của thị trường BĐS ở Việt Nam đáng để kỳ vọng. Trong đó, phân khúc nhà ở thời gian qua chứng kiến một khối lượng giao dịch lớn khi có đến 5.000 dự án nhà ở được tung ra vào cuối năm 2015. Điều đáng lưu ý là phân khúc trung và cao cấp ra mắt liên tục. Đây là những dự án khởi động từ năm 2007 đến nay và giờ đang bước vào giai đoạn bàn giao.
Vẫn lạc quan về thị trường bất động sản
Theo ông Steven Chu, Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Nam Long, Việt Nam là một thị trường tăng trưởng tốt nhưng phải cần nhiều thời gian mới ngang bằng Singapore và Malaysia. Kinh nghiệm thu hút vốn của Tập đoàn Đầu tư Nam Long chủ yếu là từ các nguồn cổ đông hiện tại, cổ phiếu, các NH trong nước, các đối tác chiến lược. Vẫn theo ông Steven Chu, nhờ đã tiên đoán trước và sự thật đã diễn ra như dự báo nên khi các chính sách thắt chặt tài chính và tiền tệ mang tính vĩ mô đến từ phía NHNN hoặc Chính phủ, Tập đoàn Đầu tư Nam Long và những doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị chịu ảnh hưởng không đáng kể.
Theo ghi nhận từ Hội nghị, đa phần các ý kiến đều tin rằng, thị trường BĐS nói chung và thị trường năm 2016 nói riêng đang đi trên lộ trình đúng đắn với chu kỳ tăng mạnh. Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận đầu tư Savills Vietnam nhận định, những năm gần đây, BĐS nhà ở phát triển mạnh, gắn liền với đại bộ phận người dân Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài. Nếu như trước đây, nhà đầu tư nước ngoài thường tập trung vào phân khúc trung, cao cấp thì nay phân khúc trung và vừa phải đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. “Chỉ số tín dụng dành cho BĐS đang được cải thiện. Hiện tượng bong bóng BĐS hiện nay thì chưa thể”, ông Sử Ngọc Khương nhận định.
Ông Steven Chu cho hay, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố kích thích tăng trưởng cho thị trường BĐS hiện tại. Bởi lâu nay, nguồn vốn của các chủ đầu tư trong nước thường là vốn trung, dài hạn chỉ dựa vào NH. Nay Thông tư 36 của NHNN đang siết lại, nên việc hướng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là tất yếu.
Giải tỏa những thắc mắc xung quanh Thông tư 36, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, thời gian qua, NHNN đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát để cảnh báo kịp thời những rủi ro, trong đó việc ban hành Thông tư 36 là một tín hiệu phát ra để cảnh báo cho các tổ chức tín dụng. Những năm qua, tín dụng đã phục hồi và gia tăng trở lại, nhưng nguồn vốn huy động trung và dài hạn đang tăng nhanh hơn. Điều này cho thấy rủi ro đối với chênh lệch tỷ giá là tương đối lớn. Tuy đưa về mức 40% cho vay trung và dài hạn nhưng room cho tín dụng BĐS vẫn ở mức khoảng 450.000 tỷ đồng.
Có thể nói, nhiều dự cảm tốt lành đang mở ra cho cả nền kinh tế lẫn thị trường BĐS. Tuy nhiên, đứng trước cánh cửa hội nhập, nhất là TPP và các FTA thế hệ mới, thách thức vẫn tràn đầy. Nói như ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, phải hóa giải thách thức để biến thách thức thành cơ hội. “Vào TPP, cơ hội đều cho cả DN trong và ngoài nước, nhưng thách thức thì chủ yếu là DN trong nước. Nhà nước phải cạnh tranh được bằng thể chế, DN phải cạnh tranh được bằng sản phẩm. Thể chế nào thì DN đó. Nhà nước phải tiên phong. DN đi ra ngoài thì phải thấy bóng dáng của Nhà nước sau lưng”, ông Nguyễn Đình Cung nhận định.