Đồng Tháp kiến nghị gì để tăng tốc giải ngân đầu tư công?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tốc độ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của tỉnh Đồng Tháp những tháng đầu năm dù được cải thiện so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn chậm. Để đảm bảo giải ngân vốn đạt kết quả cao nhất, UBND tỉnh Đồng Tháp có một số kiến nghị tới các bộ, ngành trung ương theo hướng nâng cao sự chủ động và trách nhiệm của địa phương đối với kế hoạch đầu tư công.
Dự án Nâng cấp Đường tỉnh 848 đoạn từ nút giao Đường tỉnh 849 đến cầu Cái Tàu với tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Ngọc Tuấn
Dự án Nâng cấp Đường tỉnh 848 đoạn từ nút giao Đường tỉnh 849 đến cầu Cái Tàu với tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Ngọc Tuấn

Trong báo cáo về tình hình thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị 4 nội dung. Thứ nhất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương này kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương chưa giải ngân hết sang năm 2022, với số vốn 834,197 tỷ đồng.

Thứ hai, Tỉnh mong muốn Trung ương hướng dẫn thực hiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp địa phương. Trong kế hoạch vốn năm 2022, vốn đầu tư từ nguồn này là hơn 38,777 tỷ đồng.

Thứ ba, để nâng cao trách nhiệm và sự chủ động của địa phương trong việc sử dụng vốn đầu tư công cũng như công tác quản lý điều hành kế hoạch vốn, Đồng Tháp kiến nghị Trung ương phân cấp, ủy quyền cho địa phương điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư và vốn bố trí giữa các dự án sử dụng nguồn ngân sách trung ương theo quy định, đảm bảo không vượt tổng vốn kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.

Thứ tư, theo quy định, thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm giữa các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương trước ngày 15/11 năm kế hoạch. Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm đến ngày 31/1 năm sau. Do đó, những dự án có nhu cầu bổ sung vốn sau ngày 15/11 năm kế hoạch sẽ không thực hiện được, nhất là dự án phải chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của địa phương. Để đảm bảo giải ngân vốn đạt kết quả cao nhất, Tỉnh đề nghị xem xét kéo dài thời gian điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm từ trước ngày 15/11 năm kế hoạch thành trước ngày 15/1 năm sau. Theo đánh giá của UBND tỉnh Đồng Tháp, điều chỉnh theo hướng trên vừa đảm bảo phù hợp với quy định, vừa nâng cao sự chủ động và trách nhiệm của địa phương trong công tác giải ngân kế hoạch vốn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2022, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công của Tỉnh khoảng hơn 4.800 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến ngày 15/4/2022 là hơn 541,53 tỷ đồng, đạt 11,52%. Tốc độ giải ngân cao hơn 5,82% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn chậm.

Nguyên nhân là một số dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 được thông báo giao và điều chỉnh vốn vào cuối tháng 2/2022 nên chưa bố trí vốn ngay từ đầu năm 2022 như: Dự án Xử lý khẩn cấp bờ sông Tiền khu vực xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh (giai đoạn 2); Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp (giai đoạn 3); Dự án Nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 842… Một số chủ đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư chậm dẫn đến chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2022 ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, một số dự án mới thực hiện các thủ tục đầu tư nên chưa có khối lượng để giải ngân.

Một khó khăn không thể không kể đến là công tác giải phóng mặt bằng kéo dài. Các bước khảo sát, đo đạc, xử lý bản đồ địa chính, thông báo thu hồi đất, trình phê duyệt phương án giá đất, thẩm định giá đất… mất khoảng 224 ngày. Ngoài ra, vướng mắc về đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất, phương án đền bù vẫn là điểm nghẽn lớn. Việc tuyên truyền về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, vận động người dân còn chưa tốt dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Một hạn chế nữa được Đồng Tháp nhận diện là chưa có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư và các địa phương thực hiện tiểu dự án đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư công.

Để tăng tốc giải ngân đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022, ông Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng. Với định hướng rút ngắn thời gian thực hiện quy trình bồi thường giải phóng mặt bằng, các địa phương, chủ đầu tư phải cam kết mốc thời gian hoàn thành giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư, tư vấn, giám sát bám sát, đôn đốc các nhà thầu tập trung nguồn lực thi công xây dựng. Xem xét cắt hợp đồng, thay thế những nhà thầu yếu kém, không đảm bảo tiến độ. Đối với khó khăn về cát san lấp, Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị cung cấp đầy đủ cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn.

Từ quý II/2022, Đồng Tháp đồng loạt triển khai công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án thuộc danh mục đầu tư công trung hạn để tạo tiền đề bố trí vốn cho các năm tiếp theo. Hiện tại, Trung ương đã đồng ý cho Đồng Tháp kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương chưa giải ngân hết sang năm 2022, với số vốn 834,197 tỷ đồng. Cộng với số vốn trong kế hoạch năm 2022 hơn 4.800 tỷ đồng, nhiệm vụ giải ngân rất nặng nề. Tỉnh đặt mục tiêu giải ngân trên 95% vốn đầu tư công trong kế hoạch năm 2022.

Chuyên đề