Đón vốn dịch chuyển: Cơ hội không dễ dàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có cơ hội tham gia vào quá trình tái phân bổ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, cơ hội tham gia của Việt Nam không dễ dàng bởi tác động của số hóa, chủ nghĩa bảo hộ, sự hạn chế về năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như khả năng liên kết với doanh nghiệp FDI của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Để tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 trung bình đạt 6,5%, lượng vốn FDI thu hút cần đạt khoảng 6,17% GDP, tương đương hơn 102 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên
Để tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 trung bình đạt 6,5%, lượng vốn FDI thu hút cần đạt khoảng 6,17% GDP, tương đương hơn 102 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 trung bình đạt 6,5%, lượng vốn từ bên ngoài cần thu hút đạt khoảng 10,26% GDP. Trong đó, vốn FDI cần đạt khoảng 6,17% GDP, tương đương hơn 102 tỷ USD, tăng 26,9 tỷ USD so với giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, khả năng huy động chỉ được khoảng 84,71 tỷ USD, đáp ứng 83,01% nhu cầu.

Trong khi đó, đầu tư toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo sụt giảm FDI tiếp tục kéo dài sang năm 2021 với mức giảm dự kiến khoảng 5 - 10%. Tình hình được kỳ vọng khả quan hơn và phục hồi nhẹ vào năm 2022.

Một trong những cơ hội lớn đối với Việt Nam là dòng dịch chuyển vốn được đẩy nhanh hơn do tác động của dịch Covid-19. Theo NCIF, các xu hướng định hình chuỗi cung ứng có thể kể đến như: rút ngắn chuỗi; đa dạng chuỗi; khu vực hóa chuỗi và nhân rộng chuỗi. Tùy vào mỗi nhóm ngành cụ thể và mức độ tự động hóa, số hóa, các diễn biến chuỗi có thể khác nhau. Tuy nhiên, năm 2021, khi rủi ro từ Covid-19 vẫn lớn, khả năng hiện thực hóa việc dịch chuyển vốn vẫn có thể chậm, cú hích từ dịch chuyển chuỗi giá trị và dòng FDI vào Việt Nam có thể không như kỳ vọng. Dịch chuyển chỉ có thể được đẩy mạnh khi trong giai đoạn 2021 - 2025, dịch Covid-19 được kiểm soát. Những ngành có khả năng dịch chuyển lớn nhất là dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, máy móc, thiết bị cơ khí và dịch vụ logistisc. Những ngành có động cơ dịch chuyển lớn nhưng không dễ dàng dịch chuyển là dược phẩm, điện tử tiêu dùng và hàng công nghệ do khó tìm kiếm nguồn cung thay thế đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, hạ tầng và trình độ nhân lực.

Để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, chuẩn bị điều kiện đón dòng dịch chuyển chuỗi, NCIF đề xuất phải giải quyết một số vấn đề đang ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Hiện nay, phát triển khu công nghiệp đang bị hạn chế bởi giá đất tăng, vì thế cần sớm hoàn thiện quy hoạch để tăng cung cho lĩnh vực này. Đối với nhân lực, đã bắt đầu xuất hiện các điểm nghẽn về lao động, kể cả lao động không có kỹ năng; thiếu hụt lao động quản lý và kỹ thuật cấp cao; hệ thống đào tạo nghề chưa định hình việc dịch chuyển các kỹ năng nghề khi chuỗi cung ứng thay đổi. Chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu thúc đẩy sản xuất trong nước, nhưng không khuyến khích đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Đây là một hạn chế để phát triển các ngành công nghiệp thượng nguồn ở trong nước. Chính sách tăng lương tối thiểu giúp cải thiện đời sống người lao động, nhưng chưa có các biện pháp phù hợp để tăng năng suất lao động lên tương ứng, làm giảm tính cạnh tranh của lực lượng lao động ở Việt Nam...

Còn theo ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam cần xây dựng chỉ số đo lường các dự án FDI tốt, gồm chỉ số dựa vào các nhà cung ứng trong nước; tạo việc làm, trả lương cao hơn, đào tạo nhiều hơn; triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam... Bên cạnh đó, cần tăng hàm lượng nội địa của các mặt hàng chế biến chế tạo, ưu tiên doanh nghiệp FDI có nguồn cung từ doanh nghiệp nội địa.

Về chính sách ưu đãi, không nhất thiết phải đối xử bình đẳng với tất cả doanh nghiệp FDI, cần có cơ chế khuyến khích không phải bằng thuế. Kinh nghiệm nhiều nước ưu đãi thuế không có hiệu quả cao đối với đầu tư nước ngoài bằng các ưu đãi khác như hạ tầng, đào tạo nguồn lao động, cùng chia sẻ chi phí với doanh nghiệp để giảm chi phí nhân công…

Chuyên đề