Doanh nghiệp xây dựng điêu đứng chờ giải cứu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhà thầu xây dựng (XD) đang đối mặt với chồng chất khó khăn, đặc biệt với hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định.
Giá cả biến động mạnh khiến nhiều nhà thầu xây dựng phải tạm ngừng thi công. Ảnh: Tiên Giang
Giá cả biến động mạnh khiến nhiều nhà thầu xây dựng phải tạm ngừng thi công. Ảnh: Tiên Giang

Chồng chất khó khăn

Theo Bộ XD, thống kê của Bộ tại thời điểm hiện nay, giá thép XD tăng khoảng 12% so với cuối quý IV/2021 và khoảng 50% so với cuối quý IV/2020; giá xăng dầu tăng khoảng 26% so với cuối quý IV/2021 và khoảng 59% so với cuối quý IV/2020… Dù đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trước diễn biến tăng giá thời gian qua, tuy nhiên, Bộ nhận định, tình trạng tăng giá vật liệu XD, nguyên, nhiên liệu đầu vào, các nhà thầu XD thiếu việc làm, thiếu nhân lực, thiếu vốn đang diễn ra phổ biến nhưng chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết. Các doanh nghiệp (DN) XD chậm phục hồi sau đại dịch Covid-19, số lượng DN ngừng hoạt động tăng cao. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 7.206 DNXD tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, con số này tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước.

Qua kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với 6.799 DNXD, Tổng cục Thống kê cho biết, dự báo quý III/2022 so với quý II/2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNXD khó khăn hơn do ảnh hưởng bởi giá nguyên vật liệu XD tăng cao. Các nhà thầu XD đứng trước nguy cơ phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng đối với các hợp đồng đã ký.

Cuối tháng 6/2022, Hiệp hội các nhà thầu XD Việt Nam (VACC) có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ nêu bật nhiều khó khăn “chưa từng xảy ra” đối với nhà thầu XD Việt Nam. Trong đó, nhấn mạnh biến động giá cả vật liệu quá lớn, nếu tính theo tỷ trọng vật tư của cơ cấu giá - thì việc tăng giá vật liệu đã làm giá thành gói thầu tăng lên từ 18% - 30%. VACC ví dụ, Tổng công ty Vinaconex – nhà thầu thi công Gói thầu Đường cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, ngay khi bắt đầu triển khai thi công tính toán lại tất cả cơ cấu giá ở thời điểm đó đã thấy lỗ 46% so với giá trong hợp đồng. Giá cả biến động mạnh nhưng Nhà nước chưa có cơ chế bù giá, điều chỉnh hợp đồng hợp lý hoặc có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ nhà thầu nên hàng loạt nhà thầu đang tham gia vào các gói thầu đầu tư công bị lâm vào tình trạng “sống dở chết dở”.

Bên cạnh đó, theo VACC, tâm lý e dè ngần ngại, né tránh khá phổ biến trong bộ máy hành chính khi giải quyết các thủ tục cho các dự án nên số dự án mới ngày càng ít hơn, dẫn đến tình trạng cạnh tranh phá giá ở một số DN cố gắng tồn tại, nhưng do cố gắng thắng thầu bằng mọi giá nên khi thực hiện đều đổ vỡ, nợ nần.

Cùng với nhiều khó khăn khác, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch VACC cho biết, đa số DNXD Việt Nam đều đứng trước thách thức hết sức khốc liệt, thậm chí lo ngại nếu tình hình này tiếp diễn, 5 năm tới không còn nhiều nhà thầu XD Việt Nam.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu XD cho biết đang tạm dừng thi công nhiều gói thầu ký hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định chờ giá vật liệu XD, nhất là giá xăng dầu giảm bớt.

Nhà thầu chờ một cuộc “giải cứu”

Theo Tổng cục Thống kê, nhà thầu XD kiến nghị cần quyết liệt và kịp thời hơn nữa để bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành XD để các DN ổn định thi công; hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các DN thi công; bổ sung vốn kịp thời cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, hạn chế tình trạng nợ đọng thanh toán làm ảnh hưởng đến vòng quay vốn của DN. Nhà thầu XD cũng mong tiếp tục rà soát lại những nhà thầu thi công chậm tiến độ, năng lực kém để chuyển cơ hội cho nhà thầu khác thi công do sau dịch Covid-19 nhiều nhà thầu không có công trình mới…

VACC rất kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có ý kiến chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ cho các DN vượt qua thời điểm khốc liệt này.

Tại một hội nghị gần đây do Bộ KH&ĐT tổ chức, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, Chính phủ cần sớm hướng dẫn để xử lý vấn đề này, cứ yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu làm đi mà không nói rõ có điều chỉnh không thì không ai làm cả, vì càng làm càng lỗ.

Bên cạnh chờ hướng dẫn cụ thể về cơ chế bù giá đối với hợp đồng trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định, nhiều nhà thầu cho biết, nhiều chủ đầu tư lo ngại dù có cơ chế bù giá cũng không biết lấy nguồn ở đâu để bù. Vì thế, Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, tránh trường hợp có cơ chế cũng không thực hiện được.

Chính phủ ra hạn chót báo cáo giải pháp gỡ vướng hợp đồng trọn gói

Tại Nghị quyết số 85/NQ-CP về hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, Chính phủ giao Bộ XD báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương liên quan đến việc thực hiện hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định trong bối cảnh giá nhiên liệu, nguyên vật liệu XD biến động mạnh, hoàn thành trong tháng 7/2022. Đồng thời, Bộ XD chịu trách nhiệm hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền ở địa phương kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu XD, chỉ số giá XD theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường.

Chuyên đề