Doanh nghiệp kỳ vọng bình đẳng khi tham gia dự án PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những quy định mới của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật PPP được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Những vấn đề xung quanh câu chuyện đàm phán, thực thi, chấm dứt hợp đồng dự án PPP đang được các nhà đầu tư, giới chuyên gia đặc biệt quan tâm. Ảnh: Huyền Trang
Những vấn đề xung quanh câu chuyện đàm phán, thực thi, chấm dứt hợp đồng dự án PPP đang được các nhà đầu tư, giới chuyên gia đặc biệt quan tâm. Ảnh: Huyền Trang

Tuy nhiên, một số vướng mắc phụ thuộc nhiều vào thực thi, vào tư duy của người thực hiện vẫn còn là điều mà nhà đầu tư lo lắng, kỳ vọng một sự bình đẳng thực sự trong mối quan hệ công - tư.

Nhà đầu tư vẫn e ngại ở thế dưới

Tại Tọa đàm “Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI cho biết, một số vấn đề tại Luật PPP rất cần được cụ thể hóa, hướng dẫn sớm. Trong đó, nhóm vấn đề về lĩnh vực và quy mô tổng mức đầu tư; việc thành lập hội đồng thẩm định; chấm dứt hợp đồng dự án; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư cam kết sử dụng nhà thầu, hàng hóa, vật tư, thiết bị trong nước... đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm.

Những vấn đề xung quanh câu chuyện đàm phán, thực thi, chấm dứt hợp đồng - linh hồn của dự án PPP, được nhà đầu tư, giới chuyên gia đặc biệt quan tâm. Từ kinh nghiệm thực hiện rất nhiều dự án PPP lớn, và dù là một nhà đầu tư lớn, nhưng ông Đặng Xuân Chinh, Trưởng ban Pháp chế của Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, nhà đầu tư luôn ở thế dưới. Vai trò của nhà đầu tư và cơ quan nhà nước đứng ra ký hợp đồng không ngang hàng để đàm phán, luôn phụ thuộc vào cơ quan nhà nước.

Dẫn chứng từ dự thảo hợp đồng 5 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện theo phương thức PPP, ông Trần Chủng cho biết, nhiều quy định tại các dự thảo hợp đồng vẫn đang bất bình đẳng, có lợi cho phía Nhà nước và đẩy rủi ro cho nhà đầu tư, mà thực chất bên cho vay sẽ rủi ro lớn nhất. Các ngân hàng khi nhìn vào dự thảo hợp đồng này sẽ rất e ngại cho vay, chính vì thế, khi các dự án đóng thầu, rất ít nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, dù trước đó sự quan tâm ở giai đoạn sơ tuyển là rất lớn.

Ngoài ra, theo VCCI, việc vi phạm hợp đồng của cơ quan nhà nước vẫn diễn ra, ví dụ chậm trễ thanh toán phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án, hay nhiều nghĩa vụ của Nhà nước quy định tại hợp đồng. Nhiều nhà đầu tư rất lúng túng, không biết tìm đến cơ quan nào để giải quyết vi phạm hợp đồng của phía cơ quan nhà nước...

Qua tiếp xúc thực tế, VCCI cho biết nhiều dự án BOT đang rất vướng vì bị dừng triển khai sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 437 năm 2017 với quy định dự án BOT chỉ áp dụng tuyến đường mới. Nhiều địa phương dừng dự án đang thực hiện dở dang, khiến nhà đầu tư đối mặt với nguy cơ phá sản, không trả được nợ, địa phương không biết phải chuyển tiếp thế nào từ dự án PPP đang thực hiện sang hình thức khác.

Nghị định không phải cuộc chơi pháp lý áp đặt của Chính phủ

Dự thảo Nghị định được đưa ra thảo luận tại Tọa đàm có nhiều điểm được các nhà đầu tư đánh giá cao. Ông Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân sự - Kinh tế thuộc Bộ Tư pháp, dẫn chứng một trong những quy định tiến bộ tại Dự thảo Nghị định liên quan đến hướng dẫn thế nào là “vi phạm nghiêm trọng” phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Theo ông Huệ, Dự thảo Nghị định dẫn chiếu định nghĩa tại Bộ luật Dân sự, chứ không đi vào liệt kê cụ thể các trường hợp.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT chia sẻ, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo 2 nghị định trên tinh thần cầu thị, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý, tháo gỡ nhiều nhất những vướng mắc trong thực tiễn, đảm bảo quy định Luật PPP khả thi, thuận lợi triển khai khi có hiệu lực.

Cơ quan chủ trì soạn thảo nhiều lần khẳng định xây dựng các nghị định trên tinh thần không phải cuộc chơi pháp lý áp đặt từ phía Chính phủ, mà thể hiện được vai trò của nhà đầu tư, sát thực tế. Tuy nhiên, một số vướng mắc của các dự án đã ký hợp đồng, đã, đang triển khai, không thể giải quyết tại Nghị định hướng dẫn Luật PPP vì không thuộc phạm vi điều chỉnh.

Ngoài hai dự thảo nghị định do Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất trông chờ Dự thảo Nghị định hướng dẫn cơ chế về quản lý tài chính dự án PPP do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, bởi vấn đề tài chính là cốt yếu đối với dự án PPP.

Chuyên đề