Cấp thiết giải quyết vướng mắc của dự án BOT

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một kỳ đầu tư trung hạn mới sắp đến, với bài toán lớn về cân đối nguồn lực đáp ứng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 của các bộ, ngành, địa phương lên tới 3,5 triệu tỷ đồng. Ngân sách nhà nước (NSNN) chắc chắn không đáp ứng được, nhưng muốn khơi thông dòng vốn mới của khu vực tư nhân thì điều rất quan trọng là cần tháo gỡ được những ách tắc, vướng mắc hiện tại.
Vướng mắc của dự án BOT đã, đang thực hiện là nguyên nhân quan trọng khiến ngân hàng e dè cho vay mới, thậm chí nói không với BOT. Ảnh Báo Khánh Hòa
Vướng mắc của dự án BOT đã, đang thực hiện là nguyên nhân quan trọng khiến ngân hàng e dè cho vay mới, thậm chí nói không với BOT. Ảnh Báo Khánh Hòa

Khó chồng khó

Là một trong những nhà đầu tư tiên phong đầu tư vào hạ tầng giao thông theo mô hình PPP tại Việt Nam, Tập đoàn Đèo Cả đang phải đối diện với nhiều khó khăn tại những dự án BOT lớn của mình. Trong đó có thể kể đến Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả.

Dự án có tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia hỗ trợ là 5.048 tỷ đồng (23,53%). Hiện Dự án đang đối mặt với một số khó khăn xuất phát từ những vấn đề ngoài tầm kiểm soát và khả năng xử lý của nhà đầu tư. Cụ thể, ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, phần vốn nhà nước tham gia Dự án là 5.048 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân 3.868 tỷ đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sử dụng vốn, phát sinh lãi vay tín dụng trong quá trình thực hiện Dự án. Mặc dù nhà đầu tư, ngân hàng cho vay tín dụng đã có nhiều văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, nhưng đến nay, sau gần 3 năm vẫn chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, việc bỏ Trạm thu phí La Sơn - Túy Loan gây ra sự xáo trộn rất lớn về phương án tài chính của Dự án. Việc này gây rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng cấp tín dụng, do mất nguồn thu hồi vốn, đồng thời làm phân lưu dòng xe, dẫn đến sụt giảm doanh thu, phá vỡ phương án tài chính của Dự án Hầm Phú Gia - Phước Tượng và Dự án Hầm Đèo Cả (hạng mục hầm Hải Vân). Trên cơ sở đánh giá và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, nhà đầu tư đã nhiều lần báo cáo và yêu cầu thực hiện thu phí theo đúng Hợp đồng dự án đã ký hoặc giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức thu nộp NSNN và bù đắp kinh phí cho nhà đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết.

Theo tổng hợp của Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), tại một số dự án khác, cam kết của Nhà nước về bố trí vốn NSNN cũng chưa thực hiện đúng. Đơn cử như Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, phần vốn nhà nước tham gia khoảng 17.000 tỷ đồng (khoảng 39% tổng mức đầu tư), nhưng đến cuối năm 2019, mới được phân bổ khoản đầu tiên trị giá 1.351 tỷ đồng hỗ trợ thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, nhiều dự án bị thay đổi phương án tài chính do các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam thường xuyên thay đổi như quy định về thuế; về giá/phí hay quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.

Cần giải quyết dứt điểm vướng mắc

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch VARSI nhấn mạnh, vướng mắc của dự án BOT đã, đang thực hiện, chưa trả được nợ, nhiều rủi ro ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư là nguyên nhân quan trọng khiến ngân hàng e dè cho vay mới, thậm chí có ngân hàng nói không với BOT. Bên cạnh đó, việc sớm tháo gỡ kịp thời khó khăn của các dự án đã và đang triển khai sẽ giúp dự án phát huy giá trị đầu tư, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Cuối tháng 8 vừa qua, trong công văn gửi Thủ tướng về vướng mắc của các dự án BOT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia đầu tư các dự án PPP mới, bên cạnh hoàn thiện khung pháp lý, cần sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đã, đang triển khai các dự án BOT. Đối với Dự án Hầm Đèo Cả, VCCI kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét thực hiện đúng cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng với nhà đầu tư. Đối với trạm thu phí La Sơn - Túy Loan, có phương án xử lý dứt điểm theo hướng triển khai thu phí để hoàn vốn như thỏa thuận trong Hợp đồng đã ký hoặc bố trí nguồn vốn NSNN bù đắp kinh phí cho nhà đầu tư, đồng thời thực hiện khai thác tài sản đối với tuyến La Sơn - Túy Loan nhằm hạn chế ảnh hưởng đến phân lưu và sụt giảm doanh thu tại các trạm trên tuyến Quốc lộ 1.

VCCI cũng đề nghị Thủ tướng xem xét hướng dẫn cơ chế hỗ trợ, chia sẻ rủi ro cho các dự án PPP nói chung, các dự án BOT nói riêng đã, đang triển khai theo tinh thần Luật PPP...

Tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông thời gian qua là chủ trương đúng, có đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện có vấn đề, gây mất niềm tin của nhà đầu tư. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần xử lý ngay, dứt điểm các vướng mắc, từ đó cùng với Luật PPP sắp có hiệu lực huy động mạnh mẽ hơn dòng vốn tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng trong giai đoạn tới.

Chuyên đề