Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ “ngóng” ưu đãi

(BĐT) - Hội thảo về công nghiệp hỗ trợ ngành cao su - nhựa vừa diễn ra đã “nóng” lên rất nhiều vì những ý kiến thẳng thắn của doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực đang chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh này. 
Điểm yếu của các doanh nghiệp nhựa - cao su là quy mô nhỏ lẻ, nằm rải rác trong các quận nội thành TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên
Điểm yếu của các doanh nghiệp nhựa - cao su là quy mô nhỏ lẻ, nằm rải rác trong các quận nội thành TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên

Khó tiếp cận vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm… là một thực trạng cho thấy, DN vẫn đang tự bơi dù chính sách ưu đãi liên tục được ban hành. 

Áp lực ngày càng lớn

Tại Hội thảo, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa - Cao su TP.HCM rất lo ngại phát biểu: “Nhiều tập đoàn nước ngoài đã sang đàm phán để mua lại 100% vốn của hàng loạt công ty nhựa trong nước với giá đưa ra rất cao. Đến nay, theo thông tin mà Hiệp hội nắm được, có 4 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nhựa đã bán cho tập đoàn nước ngoài”. Sự có mặt của tập đoàn nước ngoài sẽ tạo rất nhiều áp lực lên các doanh nghiệp nội trong lĩnh vực nhựa.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, đa phần các công ty sản xuất nhựa là DN tư nhân hoặc công ty cổ phần nên rất linh hoạt và năng động. Tuy nhiên, giữa các DN này thiếu tính liên kết, hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh; thậm chí đâu đó còn có sự cạnh tranh không lành mạnh. Năng lực sản xuất còn nhiều hạn chế nên khó tiếp nhận được những đơn hàng lớn từ nước ngoài… Họ cũng chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với những rào cản thương mại phi thuế quan như việc áp dụng chống bán phá giá, chống trợ cấp…

Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực cao su, có lẽ năm 2015 là một năm “đáng quên nhất”. Hiệp hội Nhựa - Cao su TP.HCM cho biết, ngành này đang bị suy giảm mạnh cả về sản lượng và giá trị thương mại. Tại Việt Nam, diện tích trồng mới cao su đã giảm đáng kể và một số hộ cao su tiểu điền phải ngưng thu hoạch mủ vì giá bán thấp hơn giá thành. Thậm chí nhiều DN còn phải lên kế hoạch cho việc đan xen những sản phẩm khác trong diện tích cao su. Đầu vào không ổn định do nhiều nông trường bỏ cây cao su. Đầu ra lại phải cạnh tranh rất khốc liệt với các quốc gia đã xây dựng được thương hiệu cao su mạnh. 

Nhiều ưu đãi nhưng khó tiếp cận

Trước những khó khăn của các DN nhựa và cao su, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, những diễn biến này đều nằm trong dự đoán và UBND TP.HCM đã có sự chuẩn bị rất kỹ để giúp DN ứng phó. TP.HCM đang đẩy mạnh các biện pháp phát triển CNHT với các nhóm ngành: điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, lương thực thực phẩm và hóa nhựa cao su.

Trong đề án Phát triển CNHT giai đoạn 2015 - 2020, TP.HCM sẽ ban hành nhiều chính sách để các DN được hỗ trợ tối đa. Theo đó, TP.HCM đã thành lập Trung tâm Phát triển CNHT TP.HCM với cơ chế một cửa liên thông giữa các sở, ngành để hỗ trợ thủ tục hành chính cho DN phát triển CNHT. Đặc biệt, TP.HCM sẽ bố trí lại mặt bằng sản xuất cho các DN CNHT, các cơ sở sản xuất tại nội thành. “Vì một điểm yếu hiện nay của các DN nhựa - cao su là quy mô nhỏ lẻ, manh mún, nằm rải rác trong các quận nội thành”, Sở Công Thương TP.HCM nhận xét. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ đẩy mạnh việc tổ chức kết nối ngân hàng với DN với cơ chế cho vay dự án khả thi mà DN không đủ điều kiện bảo đảm nợ vay. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ lãi suất đầu tư công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này.

Theo đề xuất của các DN, sức ép khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN và TPP đối với các DN nhựa - cao su là rất lớn. Trong khi đó, có nhiều chính sách hỗ trợ CNHT nhưng không đi vào cuộc sống, DN muốn tiếp cận lại gặp quá nhiều rào cản. Do đó, những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của TP.HCM để giúp DN nâng cao sức cạnh tranh, tăng chất lượng kinh doanh sản xuất và mở rộng thị trường cần thiết thực, cụ thể và dễ dàng triển khai, đến tận từng DN.             

Chuyên đề

Kết nối đầu tư