Trong năm 2016, nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ có hiệu lực, tạo nên kỳ vọng tiếp tục “tiếp sức” cho sự tăng trưởng của lĩnh vực này.
Triển vọng tích cực
Trong các báo cáo triển vọng TTCK nói chung và triển vọng ngành nói riêng, nhiều CTCK “ưu ái” nhìn nhận bất động sản là một trong số ít các nhóm ngành đáng trông đợi trong năm 2016.
Theo CTCK Ngân hàng đầu tư (BSC), nền kinh tế dần hồi phục, cùng với việc nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ có hiệu lực sẽ giúp lĩnh vực bất động sản tăng trưởng, trở thành đầu tàu kéo theo sự phát triển khả quan của ngành xây dựng, vật liệu xây dựng (xi măng, nhựa) và gián tiếp hỗ trợ sự phục hồi của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, BSC lưu ý, triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành BĐS khá phân tán.
Cùng chung quan điểm thị trường BĐS sẽ có sự phân hóa và cạnh tranh mạnh mẽ hơn khi đón nhận thêm các chủ đầu tư mới, cũng như nguồn cầu mới, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng phân khúc cao cấp tiếp tục là động lực tăng trưởng, tuy nhiên phân khúc bình dân và bình dân “chất lượng cao” sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của các DN BĐS niêm yết sẽ khả quan với nhiều dự án đi vào giai đoạn bàn giao. Phân khúc căn hộ sẽ chứng kiến sự cạnh tranh sôi động giữa các chủ đầu tư với hàng loạt dự án quy mô lớn được chào bán như Ba Son của Vingroup, Venice city của Đất Xanh (3.100 căn), Sunrise Riverside của Novaland (2.200 căn), M-One của Thảo Điền Investment (gần 1.000 căn). Năm 2016 sẽ có gần 69.000 căn hộ thuộc các phân khúc khác nhau được chào bán tại Hà Nội và TP. HCM.
Những “ngôi sao” sáng của thị trường
Theo VCBS, những DN có nền tảng tài chính lành mạnh, quỹ đất lớn và sản phẩm phù hợp với nhu cầu “thật” sẽ hưởng lợi từ sự vận động tích cực của thị trường.
Tập đoàn Vingroup (VIC) được kỳ vọng tiếp tục dẫn đầu về hiệu quả kinh doanh trong nhóm ngành BĐS với doanh thu năm 2016 ước đạt 47.910 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 4.309 tỷ đồng. Trong năm 2016, mảng chuyển nhượng BĐS tập trung vào một số dự án như dự án Nguyễn Chí Thanh, Times City, Central Park và Vinpearl Villas được bàn giao.
2016 cũng là năm “bận rộn” đối với CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) khi Công ty triển khai hàng loạt các dự án đã bị trì hoãn trong năm qua. BCI sẽ ưu tiên hoàn tất công tác đền bù tại các dự án có tính khả thi trong ngắn hạn như Dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng và Corona City. Năm 2016, BCI đặt mục tiêu doanh thu 683 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 284 tỷ đồng.
CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) lên kế hoạch năm 2016 đạt doanh thu 1.782 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 290 tỷ đồng. Triển vọng kinh doanh của NLG tích cực với việc tiếp tục bàn giao các sản phẩm Ehome, Flora và bắt đầu có sự đóng góp của nhà phố/biệt thự, vốn có biên lợi nhuận cao hơn các dòng sản phẩm khác.
Bên cạnh đó, việc đàm phán với đối tác tại Dự án Aquamarine Residences (Bình Chánh) đang đi đến giai đoạn kết thúc có thể đem lại khoản lợi nhuận bất thường từ chênh lệch đánh giá lại giá đất theo thời giá hiện tại. So với các DN BĐS khác, NLG là một trong số ít các công ty có quỹ đất lớn, với gần 52 héc ta tại khu vực TP. HCM; các sản phẩm của NLG đa dạng, đang được thị trường hấp thụ tốt. Dòng tiền để phát triển các dự án không phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay.
Một số DN “mạnh dạn” đặt chỉ tiêu cao cho năm 2016 như CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group), với dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 1.500 - 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 20% doanh thu, tương đương với khoảng 300 tỷ đồng. So với các chỉ tiêu năm 2015 (1.000 tỷ đồng và 167 tỷ đồng) thì rõ ràng, CEO đặt kỳ vọng rất cao cho năm tới.
Năm 2016, CTCP Licogi 13 (LIG) kỳ vọng doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tối thiểu 62 tỷ đồng. Theo LIG, lợi nhuận năm 2016 dự kiến tăng mạnh do Công ty triển khai đầu tư, kinh doanh các dự án bất động sản. Cụ thể, quý II/2016 sẽ bắt đầu thực hiện đầu tư, kinh doanh Dự án Khu nhà ở quanh chợ Tây Đằng (Ba Vì) với tổng mức đầu tư dự kiến 374 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận dự kiến 18% trên doanh thu.