Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ theo giá bình quân hiện hành, EVN cùng các công ty thành viên có thể lỗ sản xuất, kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Sức ép tăng chi phí
Ngày 3/2/2023, Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân quy định: mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017/QĐ-TTg, giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh.
Liên quan đến quyết định này, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều vấn đề bất ổn trên toàn cầu tác động mạnh đến việc tăng giá năng lượng tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Điển hình là tình hình khủng hoảng năng lượng tại nhiều quốc gia, tác động cộng hưởng của căng thẳng địa chính trị tại châu Âu, áp lực lạm phát… Vì vậy, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân tại nước ta không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất, kinh doanh điện, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu. Đơn cử, giá than nhập khẩu của các nhà máy điện tăng từ cuối năm 2021, dẫn đến nhiều DN sản xuất điện gặp khó.
Báo cáo của EVN công bố vừa qua cho thấy, hoạt động sản xuất điện của DN này năm 2022 lỗ 31.000 tỷ đồng. Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ theo giá bình quân hiện hành, EVN cùng các công ty thành viên có thể lỗ sản xuất, kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng…
Đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết, trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh nêu trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN khẩn trương xây dựng các phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.
Với thực tế nêu trên, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam dự đoán, khả năng điều chỉnh tăng giá điện trong thời gian tới là khó tránh. Giá bán điện điều chỉnh tăng thì giá bán xi măng tới đây cũng sẽ tăng theo. Đại diện một số DN sản xuất thép, phân bón cũng nhìn nhận, với sức ép chi phí sản xuất tăng như vậy, khả năng giá điện sẽ tăng, ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của DN.
Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng mạnh tới chi phí sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hùng |
Tiết kiệm và sáng tạo giải pháp mới
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Tân Quang chia sẻ, lường trước khả năng giá điện tăng, Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng để hạ chi phí sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Công ty hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm; tổ chức bảo dưỡng máy móc thường xuyên; tiếp tục phát động thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm chi phí, tiết kiệm điện...
Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp để hướng tới sản xuất bền vững, hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, ông Hùng cho rằng, năng lượng xanh (năng lượng tái tạo) cần phải được thúc đẩy hơn nữa, góp phần làm giảm áp lực tăng giá điện đối với DN trong thời gian tới.
Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân tại nước ta không còn phù hợp với bối cảnh và chưa phản ánh sự biến động của các thông số đầu vào tới chi phí sản xuất, kinh doanh điện, đặc biệt là biến động của giá nhiên liệu.
Thông tin từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam, thời gian qua, ngoài Xi măng Tân Quang, các DN khác như Vicem Hoàng Mai; Long Sơn; Hoàng Thạch… cũng thực hiện nhiều giải pháp để tăng hiệu quả sử dụng điện, tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm sức ép nếu giá điện điều chỉnh tăng trong thời gian tới.
Chia sẻ về giải pháp chủ động ứng phó với sức ép giá điện tăng, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, DN đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm điện, từ đó góp phần gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, ví dụ như giải pháp thu hồi nhiệt dư trong các lò cao để phát điện. Theo đó, Tập đoàn đã đầu tư tuabin phát điện ở nhà máy ở Hải Dương cũng như nhà máy ở Dung Quất. Nhờ giải pháp này, Hòa Phát tự chủ được khoảng 80% điện năng cho sản xuất.
“Tính một cách tương đối, chi phí tiết kiệm được nhờ giải pháp thu hồi nhiệt, khí thải ở các khu liên hợp thép của Hòa Phát từ năm 2021 trở đi nằm trong khoảng 4.000 tỷ đồng”, một cán bộ của Hòa Phát thông tin.
Nhấn mạnh sự chủ động của các DN nhằm ứng phó với sức ép giá điện tăng là rất cần thiết, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng khuyến nghị, không phải chỉ với sức ép tăng giá điện DN mới thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, mà DN phải luôn nghĩ tới đầu tư, đổi mới sáng tạo, có nhiều sáng kiến để nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa. Đây mới là giải pháp giúp DN phát triển bền vững.