Địa ốc 7 ngày: Nhìn lại thị trường tháng đầu năm

Bên cạnh diễn biến thị trường tháng 1/2016, những thông tin đáng chú ý khác trong bản tin bao gồm quy định về thành lập và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, xu hướng dịch chuyển của địa ốc TP.Hồ Chí Minh và câu chuyện về sai phạm nghiêm trọng của một dự án chung cư cao cấp tại Hà Nội.
Địa ốc 7 ngày: Nhìn lại thị trường tháng đầu năm

1. Thị trường bất động sản đầu năm: ổn định, ít biến động

Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản nhận định trong tháng 1/2016, giá bất động sản ổn định, ít biến động.  Lượng giao dịch trong tháng này tương đương với tháng liền kề và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Hà Nội và TP.HCM, mỗi thành phố có khoảng 1.600 giao dịch thành công trong tháng này.

Tại Hà Nội, lượng giao dịch này tương đương với lượng giao dịch của tháng 12/2015 và tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2015. Một số dự án được mở bán trong những ngày đầu năm 2016 tập trung ở khu vực phía Tây Hà Nội như Mon City - Mỹ Đình, Goldmark City - Hồ Tùng Mậu, Season Avenua - Hà Đông, Hanoi Landmark 51 - Hà Đông ...

Tại TPHCM, giao dịch tăng khoảng 3% so với tháng trước và tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 2015. Một số dự án căn hộ được mở bán tập trung trong tháng 1-2016 vừa qua là The EverRich Infinity (quận 5), Hưng Phát Silver Star (huyện Nhà Bè), Diamond Lotus Lake View (quận Tân Phú)…

Trong phân khúc biệt thự, nhà liền kề, thị trường cũng ghi nhận sự sôi động của một số dự án như Thảo Điền Pearl (quận 2), Thủ Đức Garden Homes (quận Thủ Đức), Villa Rivier (quận 2)...

2. Bị đình chỉ thi công, chủ đầu tư vẫn “ngang nhiên” xây dựng công trình chung cư cao cấp ở Hà Nội

Xây sai phép, bị đình chỉ, nhưng vẫn tiếp tục thi công công trình là dạng vi phạm điển hình của nhiều dự án trên địa bàn TP. Hà Nội bị phanh phui thời gian gần đây.

Cái tên lần này là tòa nhà D’.Le Pont D’or (số 36 phố Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư.

Dự án D’.Le Pont D’or

Theo phản ánh của nhiều tờ báo, Tòa nhà D’.Le Pont D’or được cấp phép xây 4 tầng hầm và 23 tầng nổi, tuy nhiên chủ đầu tư tự ý chia tầng 1 thành 2 tầng, nâng tổng số tầng lên 24, dẫn tới vi phạm hàng nghìn m2 diện tích xây sai phép.

Trước những vi phạm này, ngày 24/12/2015, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa đã ký quyết định đình chỉ thi công công trình, trong đó quy định quá thời hạn 3 ngày kể từ khi ban hành quyết định, nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ phần sai phạm sẽ bị cưỡng chế phá dỡ.

Hiện tại, theo phản ánh, dự án này không bị phá dỡ mà vẫn được thực hiện bình thường. Theo Petro times,  chủ đầu tư tòa nhà, thậm chí cắt cử người ngăn cản báo chí tác nghiệp tại khu vực dự án.

Về phía chủ đầu tư, đại diện đơn vị này bào chữa rằng, phần diện tích xây dựng thêm chỉ được sử dụng làm nơi để máy móc thiết bị cho tòa nhà, không phục vụ mục đích kinh doanh. Hiện doanh nghiệp đang xin phép Sở Xây dựng điều chỉnh bổ sung diện tích xây dựng sàn tầng lửng.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh là chủ đầu tư một loạt dự án siêu sang, cao cấp theo lối kiến trúc Pháp cổ tại các vị trí đắc địa như mặt đường Hàng Bài (Hoàn Kiếm), Hoàng Cầu (Đống Đa), Đặng Thai Mai (Tây Hồ), Phú Thượng (Tây Hồ)...

3. Bất động sản TP.HCM: phía Nam nguồn cung tăng, phía Tây doanh nghiệp đua gom quỹ đất rẻ

Thống kê của Vnexpress, đầu năm 2016, một số Công ty địa ốc  bất ngờ chuyển hướng về phía Nam Sài Gòn. Cụ thể, Thảo Điền Investment  tung ra dự án mới tại đường Bế Văn Cấm, quận 7 quy mô gần 1.000 căn. Công ty Kiến Á, sau hàng loạt sản phẩm (Imperia, Citihome, Citibella) xuất hiện ở phía Đông, tiếp tục chào bán dòng sản phẩm biệt thự giới hạn số lượng có giá chục tỷ đồng trở lên tại khu Nam…

Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát, Nguyễn Mạc Hoài Nam phân tích, 3 lý do chính dẫn đến việc doanh nghiệp bất động sản quyết định dịch chuyển nguồn cung từ khu Đông về khu Nam đó là giá đất rẻ hơn; quỹ đất dồi dào hơn; tiện ích, dịch vụ của khu Nam do Phú Mỹ Hưng phát triển khá đồng bộ, kết nối tốt..

Trong khi đó tại phía Tây TP.Hồ Chí Minh, nhiều nhà phát triển bất động sản âm thầm thu gom hàng chục hecta đất dưới nhiều hình thức để chuẩn bị cho chiến lược kinh doanh dài hơi.

Địa ốc Thắng Lợi dày công săn lùng 60 hecta đất quanh trục phía Tây Sài Gòn và tỉnh giáp ranh để chuẩn bị các dự án mới. CTCP đầu tư Nam Long vừa mua xong một dự án quy mô 9 hecta tại quận Bình Tân. Khang Điền mạnh tay thâu tóm cổ phiếu của ông trùm quỹ đất phía Tây TP HCM là CTCP đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI).

Phó tổng giám đốc Công ty Him Lam Land, Ngô Quang Phúc đánh giá, dù hai trục Đông - Nam đang cực kỳ hưng thịnh với thị trường nhà ở cao cấp đầy sôi động nhưng khu vực phía Tây TP HCM mới là thiên đường của quỹ đất rẻ chưa được khai phá hết.

Giảng viên bất động sản thuộc Trung tâm tư vấn doanh nghiệp và phát triển kinh tế vùng khoa Kinh tế phát triển (Đại học Kinh tế TP HCM), Ngô Đình Hãn cho rằng các doanh nghiệp quan tâm khu Tây TP HCM vì các lý do, hạ tầng kết nối giữa khu Tây Sài Gòn và trung tâm khá tốt; chi phí đầu vào để phát triển bất động sản khu vực này còn thấp; thị trường mới tạo ra làn gió mới với khách hàng; dân số nội khu và liên vùng đông, nhu cầu nhà ở lớn.

4. Quy định chi tiết về thành lập và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản.

Bộ xây dựng vừa ban hành Thông tư 11/2015/TT-BXD quy định chi tiết về việc thành lập và hoạt động sàn giao dịch bất động sản.

Theo đó, tổ chức và cá nhân muốn thành lập sàn giao dịch bất động sản phải thành lập doanh nghiệp, sàn phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, người quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.

Sàn giao dịch bất động sản phải có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ giao dịch ổn định trên 12 tháng; nếu có thay đổi phải thông báo cho Sở Xây dựng và khách hàng biết; và sàn giao dịch bất động sản phải có diện tích tối thiểu là 50m2 và trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động.

Chuyển động địa ốc

Tại Hà Nội, ngày 30/1, sàn bất động sản Atlantic Việt Nam mở bán MBLand Central Point Trung Kính. Dự án do Công ty TNHH 19-12 Bắc Hà là chủ đầu tư, CTCP Địa ốc MB phát triển dự án.

MBLand Central Point

Khu phức hợp văn phòng thương mại dịch vụ căn hộ MBLand Central Point tọa lạc tại 219 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội. Dự án gồm tổ hợp liên hoàn 3 tòa tháp cao 29 tầng, 3 tầng hầm gửi xe trên tổng diện tích mặt bằng 7.106m2. Căn hộ từ 64,7m2 bố trí hai phòng ngủ. Giá mỗi căn từ 2 tỷ đồng.

Ngày 30/1, Hệ thống siêu thị dự án Bất động sản (STDA) giới thiệu dự án GoldSeason.Tổ hợp căn hộ cao cấp GoldSeason tọa lạc  tại 47 Nguyễn Tuân (Thanh Xuân), được xây dựng trên tổng diện tích đất 22.371 m2 với 4 tòa căn hộ, cao 27-35 tầng, mật độ xây dựng 35%. Các căn hộ diện tích 64-108 m2.

Ngày 30/1, CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, đơn vị phân phối độc quyền Dự án Hateco Hoàng Mai, Yên Sở, Hà Nội phối hợp cùng chủ đầu tư, CTCP Hateco Hà Nội tổ chức lễ cất nóc Dự án Hateco Hoàng Mai, vượt tiến độ cam kết 2 tháng.

Được xây dựng trên khu đất rộng hơn 7.000 m2 nằm ngay ngã tư đường Tam Trinh, Hateco Hoàng Mai gồm 2 tòa nhà cao 28 tầng, trong đó có 1 tầng hầm để xe, tầng 1 là trung tâm thương mại, tầng 2 và 3 được bố trí là bãi đỗ xe nổi trên cao, tầng 4 - 27 cung cấp 744 căn hộ có từ 2-3 phòng ngủ với giá chỉ từ 16,8 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT và nội thất chất lượng cao), tương đương với 1,4 tỷ đồng cho căn hộ 3 phòng ngủ.

Tại TP.Hồ Chí Minh, sáng 29/1, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) tổ chức khởi công xây dựng Dự án xây dựng thương xá Tax Plaza tại số 39 Lê Lợi, Quận 1, TPHCM.

Công trình dự kiến gồm 6 tầng hầm và 40 tầng nổi kết hợp với một bãi đỗ trực thăng trên nóc toà nhà. Công trình mới là một khu phức hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn, có tên là Satra – Tax Plaza, với quy mô xây dựng 40 tầng cao và 6 tầng hầm.

Chuyên đề