Di dời nhà tạm trên kênh rạch tại TP.HCM: Áp lực lớn vì thiếu vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 5 năm triển khai, chương trình di dời nhà tạm trên các kênh rạch của TP.HCM đạt kết quả rất thấp. Để có nguồn kinh phí khổng lồ cho các dự án này, áp lực đè nặng lên ngân sách TP.HCM, trong khi các nhà đầu tư, vì nhiều lý do, chưa mặn mà nhập cuộc.
TP.HCM hiện tồn tại hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch cần di dời. Ảnh: Lê Tiên
TP.HCM hiện tồn tại hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch cần di dời. Ảnh: Lê Tiên

5 năm hoàn thành 12,4% mục tiêu

Cải tạo nhà ở trên các kênh rạch là mục tiêu mà TP.HCM đặt ra từ nhiều năm nay nhằm thay đổi bộ mặt đô thị. Bởi, hiện Thành phố tồn tại đến 21.850 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung chủ yếu tại Quận 8 (11.177 căn, chiếm 52%), quận Bình Thạnh (13,2%), Quận 7 (9,4%), Quận 4 (8,3%)... Hiện trạng chung của các căn nhà này đều là tạm bợ, nhếch nhác, thiếu điều kiện vệ sinh tối thiểu và mất an toàn, bắt buộc di dời trong thời gian tới.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, nhiệm vụ Thành phố đặt ra là phải cơ bản hoàn tất di dời toàn bộ 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. “Tuy nhiên, nhiệm kỳ đã hết nhưng chỉ mới di dời tổng cộng 2.479 căn nhà trên kênh, rạch, đạt tỷ lệ rất thấp là 12,4%”, Sở Xây dựng TP.HCM thông tin.

Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt mục tiêu di dời 10.000 căn nhà như trên, chủ yếu tập trung vào các dự án trọng điểm triển khai trên địa bàn các quận Bình Thạnh, Quận 7, Quận 8 và Bình Tân.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP.HCM ban hành danh mục 6 dự án mời gọi đầu tư cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh rạch. Đó là Dự án Di dời và tái định cư các hộ sống trên và ven bờ Nam kênh Đôi (Quận 8) với 5.500 căn; Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp) với 1.620 căn; Cải tạo, chỉnh trang nhà ven và trên rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) với 834 căn; Chỉnh trang rạch Cầu Dừa (Quận 7) với 160 căn; Cải tạo cảnh quan hồ Song Tân (Quận 7) với 432 căn và Chỉnh trang rạch Bần Đôn (Quận 7) với 576 căn.

Tuy nhiên, trong danh mục các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mà TP.HCM kêu gọi nhà đầu tư tham gia, lĩnh vực cải tạo, di dời nhà trên kênh có thể xem là kém hấp dẫn nhất. Lý do đầu tiên chính là hệ thống kênh, rạch nội đô của TP.HCM đều có quy mô nhỏ, hẹp, ngắn. Do đó, dự án chỉ dừng ở việc di dời, tái định cư sử dụng thuần ngân sách nhà nước. Các nhà đầu tư không thể thực hiện quá trình mở rộng để chỉnh trang đô thị như các khu vực tỉnh, thành khác. Do đó, giá trị thương mại từ dự án không đủ sức thu hút các nhà đầu tư. Trong khi đó, Thành phố không còn nhiều quỹ đất phù hợp để hoán đổi cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Cần cơ chế phù hợp

Theo Sở Tài chính TP.HCM, kinh phí cho chương trình cải tạo, di dời nhà trên kênh rạch của Thành phố cần hơn 25.000 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách của Thành phố chỉ bố trí được hơn 2.000 tỷ đồng, phục vụ một phần công tác tái định cư. Như vậy, nguồn vốn cần phải huy động xã hội hóa từ các nhà đầu tư là hơn 23.000 tỷ đồng. “Đây là áp lực rất lớn cho giai đoạn 2021 - 2025 vì trong thời gian này, nhu cầu vốn phân bổ cho hạ tầng giao thông, đô thị… vô cùng cấp thiết”, đại diện Sở Tài chính nhận định.

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nâng cấp, phát triển đô thị bền vững là lựa chọn hàng đầu khi Ngân hàng Thế giới tìm đến TP.HCM. Các dự án như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đường Hoàng Sa, Trường Sa mang lại bộ mặt hiện đại cho Thành phố rất cần được nhân rộng. Ngân hàng Thế giới đã đồng hành cùng Thành phố thông qua nhiều dự án trị giá hàng tỷ USD và tiếp tục đồng hành khi Thành phố lựa chọn được cơ chế phát triển phù hợp.

Theo ý kiến các chuyên gia, di dời nhà trên kênh rạch không hẳn là bài toán hóc búa. Nếu Thành phố mạnh dạn tăng quỹ đất dọc hành lang các kênh, rạch này để xây dựng các công trình thương mại; xây dựng những dự án hấp dẫn hơn về khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư thì sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, TP.HCM cần thu hút đầu tư bằng chính sách hỗ trợ nhà đầu tư. Cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư bằng chính sách minh bạch, bình đẳng và thông qua các hợp đồng phù hợp để nhà đầu tư tin tưởng, đồng hành cùng Thành phố trong chặng đường dài cải tạo bộ mặt đô thị.

Chuyên đề