Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg/Getty. |
Cuộc bán tháo gần đây trên thị trường tài chính toàn cầu đã cuốn phăng nhiều tỷ USD khỏi giá trị vốn hoá thị trường của các công ty tăng trưởng cao nhưng chưa có lợi nhuận, các doanh nghiệp mới chào sàn và các công ty séc trắng (SPAC). Giờ lại đến tiền ảo Bitcoin bị bán ồ ạt, gây áp lực lớn lên khả năng chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư nhỏ.
Nhu cầu bắt đáy của các nhà đầu tư cá nhân, những người dám đứng vững trong những đợt biến động mạnh của thị trường, đã góp phần đưa chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng 21% từ đầu năm đến nay. Nhưng theo hãng tin Bloomberg, lực lượng này giờ đây đang điêu đứng vì thua lỗ chồng chất ở những tài sản có tính đầu cơ cao.
Cú “quay xe” sang cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã cuốn phăng hơn 10% giá trị vốn hoá thị trường tiền ảo, 50 tỷ USD vốn hoá của các công ty mới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), và 14% giá trị vốn hoá của một rổ cổ phiếu meme – theo thống kê của Bloomberg.
“LÁ PHIẾU” MẤT NIỀM TIN CỦA CẢ NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN VÀ TỔ CHỨC
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà đầu tư cá nhân gặp thử thách, nhưng đây là lần đầu tiên sau nhiều năm thị trường có một đợt giảm sâu khi nhận ra rằng chính sách hỗ trợ hào phóng của các ngân hàng trung ương không phải là vô tận. Sự dịch chuyển quan điểm về lạm phát mà Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra vào tuần trước đã góp phần gây ra một cơn chấn động trên thị trường các tài sản có độ rủi ro cao. Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân, giới chuyên nghiệp cũng đã bỏ lá phiếu của sự mất niềm tin, bán xả các tài sản rủi ro với tốc độ mạnh nhất trong 20 tháng.
Cuối tuần vừa rồi, giá Bitcoin giảm khoảng 1/5 chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, tuột khỏi ngưỡng chủ chốt 50.000 USD. Ở thời điểm hiện tại, giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã ổn định. Theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com, giá Bitcoin lúc hơn 8h sáng thứ Hai theo giờ Việt Nam đứng ở 48.903 USD, giảm hơn 0,5% so với thời điểm cách đó 24 tiếng. Hồi tháng 10, giá Bitcoin lập kỷ lục mọi thời đại ở ngưỡng 69.000 USD. So với kỷ lục, giá Bitcoin hiện đã giảm khoảng 30%.
Giới chuyên gia cho rằng việc một tài sản như Bitcoin giảm giá sâu có khả năng làm suy giảm niềm tin đối với một tỷ lệ lớn nhà đầu tư – hiện tượng được gọi là “negative wealth effect” (tạm dịch: hiệu ứng tiêu cực về tài sản). Nếu so với thời điểm thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu lao dốc vào hôm 26/11 đến nay, các nhà đầu tư tiền ảo đã chứng kiến giá trị danh mục của họ bốc hơi 250 tỷ USD. Đó là một câu chuyện đáng lo đối với toàn thị trường nói chung.
“Công thức mua khi giá giảm đã không phát huy tác dụng trong tuần trước. Các nhà đầu tư cá nhân đã lùi một bước. Đây là lực lượng rất quan trọng đối với vế ‘cầu’ trong phương trình cung-cầu của năm nay, nên sự rút lui của họ là một diễn biến khiến giới đầu cơ giá lên lo sợ”, chiến lược gia Matt Maley của Mill Tabak + Co. phát biểu.
Diễn biến giá Bitcoin 5 ngày gần đây. |
Nếu lấy diễn biến giá Bitcoin làm căn cứ để đánh giá, thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động. Trong cú giảm chóng mặt vào cuối tuần vừa rồi, giá Bitcoin có lúc giảm 21%, còn hơn 42.000 USD. Các trạng thái đặt cược vào Bitcoin trên thị trường tương lai (futures) cũng giảm chóng mặt và tỷ lệ rót vốn vào một số sàn tiền ảo lớn thậm chí chuyển sang trạng thái âm. Điều này có nghĩa là các trạng thái bán khống Bitcoin đang mang lại lợn nhuận. Tất cả mọi dấu hiệu đều cho thấy sự áp đảo của bên bán.
DẤU HIỆU SỢ HÃI LOANG RỘNG TỪ SỰ BÁN THÁO BITCOIN
Diễn biến thị trường tiền ảo và chứng khoán những ngày qua được xem như một bằng chứng nữa cho thấy Bitcoin không phải là một kênh phòng ngừa rủi ro hoàn hảo cho danh mục của các nhà đầu tư tổ chức. Một phần sức hấp dẫn của Bitcoin đến từ việc tiền ảo này được cho là gần như không có mối tương quan nào với các lớp tài sản chủ chốt. Tuy nhiên, theo dữ liệu của công ty quản lý tài sản Man Group, trong vòng 1 thập kỷ qua, mỗi khi chứng khoán Mỹ giảm hơn 5% trong vòng 1 tháng, thì Bitcoin mất giá trong 86% số lần như vậy, với mức giảm bình quân 13% mỗi lần.
“Bitcoin vừa là một tài sản rủi ro, vừa là một tài sản an toàn, nên khi giá Bitcoin giảm mạnh và giảm lâu, thì đó sẽ là một dấu hiệu cảnh báo quan trọng đối với các tài sản rủi ro khác”, ông Maley nói.
CEO Matthew Tuttle của Tuttle Capital Management LLC đồng tình với quan điểm này. Các nhà đầu cơ giá lên tiền ảo thường lập luận rằng Bitcoin là kênh đầu tư chống lạm phát, nhưng thực ra Bitcoin lại giống như một tài sản rủi ro, ông Tuttle nói.
“Việc Bitcoin bị bán tháo là một chỉ báo không tốt cho chứng khoán, vì Bitcoin và chứng khoán có mối quan hệ trên phương diện ham thích rủi ro/sợ rủi ro”, ông Tuttle nói với Bloomberg. Theo nhà quản lý quỹ này, một dấu hiệu xấu là Bitcoin bị bán tháo ngay cả khi chứng khoán Mỹ không giảm nhiều trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu.
“Thua lỗ trên một thị trường lớn như tiền ảo cũng không bao giờ là một tin tốt cho tâm lý nói chung”, ông nói.
Trong tuần trước, thần kinh của các nhà giao dịch đã liên tục bị thử thách. Áp lực dồn nén khiến các cổ phiếu đầu cơ cao bị bán ồ ạt.
Quỹ ARK Innovation của “bà hoàng cổ phiếu” Cathie Wood giảm gần 13%, đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 2. Một chỉ số đo cổ phiếu của các SPAC giảm 6% trong tuần, tệ nhất từ tháng 3. Một quỹ ETF của VanEck chuyên đầu tư vào những cổ phiếu Internet mới nổi giảm gần 9%.
Các nhà đầu tư cá nhân thậm chí mất niềm tin cả vào những cổ phiếu công nghệ lớn luôn được khao khát, bao gồm Meta Platforms Inc., công ty mẹ của mạng xã hội Facebook. Trong vòng 1 tuần, cổ phiếu Meta giảm gần 8%. Mức giảm chóng mặt này vẫn chưa đủ để kích hoạt lực cầu bắt đáy – vốn là động lực hồi phục cho thị trường trong những đợt bán tháo trước đây.
Các SPAC, cổ phiếu mới IPO và quỹ ARK Innovation ETF cùng bị bán tháo. |
Theo dữ liệu của ngân hàng Deutsche Bank, số lượng trạng thái đầu tư cổ phiếu trong tuần trước trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 – thời điểm bắt đầu đại dịch Covid-19. Đang gần ngưỡng cao lịch sử, số lượng trạng thái giảm về mức còn khoảng 50% trung bình lịch sử, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.
CEO Doug Ramsey của Leuthold Group nói rằng chỉ số nội bộ của công ty dùng để đo điều kiện bán quá nhiều (oversold) trên thị trường đang đạt mức “cực đoan”, đến mức có thể kỳ vọng vào một sự bật tăng trở lại cho dù thị trường chứng khoán đang trong tình trạng đầu cơ giá xuống (bear market).
“Bởi thế, nếu thị trường không thể phục hồi trong những phiên tới, nhất là trong bối cảnh yếu tố mùa vụ thuận lợi như thế này, tôi sẽ rất lo lắng”, ông Ramsey phát biểu.