Đề xuất thêm trường hợp điều chỉnh hợp đồng xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Trong đó, Bộ đề xuất thêm trường hợp được điều chỉnh hợp đồng xây dựng.
Quy định chuyển tiếp có được áp dụng với các hợp đồng đã ký đang chịu tác động mạnh bởi tăng giá hay không là vấn đề nhà thầu rất quan tâm. Ảnh: Nhã Chi
Quy định chuyển tiếp có được áp dụng với các hợp đồng đã ký đang chịu tác động mạnh bởi tăng giá hay không là vấn đề nhà thầu rất quan tâm. Ảnh: Nhã Chi

Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 50/2021/NĐ-CP, đối với hợp đồng trọn gói, chỉ được điều chỉnh hợp đồng cho những khối lượng công việc bổ sung ngoài phạm vi công việc theo hợp đồng đã ký và các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d khoản 2 Điều 143 Luật Xây dựng năm 2014. Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá hợp đồng chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d khoản 2 Điều 143 Luật Xây dựng năm 2014.

Trong khi, Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 420, Điều 421) cho phép các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hợp đồng, hợp đồng có thể được sửa đổi khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Theo đó, pháp luật về xây dựng khá tương đồng với Bộ luật Dân sự năm 2015 trong việc tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận của các bên về điều chỉnh hợp đồng, đồng thời, quy định rõ một số trường hợp được điều chỉnh hợp đồng. Tuy nhiên, Luật Xây dựng được ban hành trước Bộ luật Dân sự năm 2015 vì vậy chưa bao quát hết các trường hợp được sửa đổi/điều chỉnh hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo Bộ Xây dựng, thực tế, có những hợp đồng xây dựng tại thời điểm ký kết không lường trước được các yếu tố rủi ro, chưa được tính toán đủ các chi phí tại thời điểm dự thầu, ký hợp đồng như: chi phí phòng chống dịch, giá nguyên vật liệu tăng đột biến, thời gian thực hiện hợp đồng thay đổi do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch… Nếu không cho phép điều chỉnh hợp đồng thì dẫn đến nhiều doanh nghiệp xây dựng phải đối mặt với nguy cơ vi phạm tiến độ hợp đồng; nhà thầu, chủ đầu tư tăng chi phí quản lý, chi phí gián tiếp để thực hiện việc chi trả các khoản duy trì công trường.

Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đang được lấy ý kiến, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP. Trong đó quy định hợp đồng xây dựng chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp: Thứ nhất, các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 143 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Khoản 3 Điều 143 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 64 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Trường hợp khi Nhà nước thay đổi chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng xây dựng, thì việc điều chỉnh hợp đồng chỉ được áp dụng cho phần công việc bị ảnh hưởng của sự thay đổi chính sách đó và việc điều chỉnh thực hiện theo quy định của cơ quan ban hành, hướng dẫn thực hiện chính sách. Thứ hai, khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản quy định tại Điều 420 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13. Việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng trong trường hợp quy định tại điểm này được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.

Trao đổi nhanh với một số nhà thầu về sửa đổi này, một số ý kiến cho rằng, nếu có bổ sung quy định này thì quy định chuyển tiếp có được áp dụng với các hợp đồng đã ký đang chịu tác động mạnh bởi tăng giá hay không là vấn đề nhà thầu rất quan tâm.

Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Chuyên đề