Đề xuất hợp đồng xây dựng được điều chỉnh khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đây là một trong những nội dung bổ sung tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ Xây dựng, Điều 35 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 50/2021/NĐ-CP quy định hợp đồng xây dựng chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 143 Luật Xây dựng năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 62/2020/QH14. Trong khi, Bộ luật Dân sự cho phép các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Luật Xây dựng được ban hành trước Bộ luật Dân sự năm 2015, vì vậy chưa bao quát hết các trường hợp được sửa đổi/điều chỉnh hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thực tế, có những hợp đồng xây dựng tại thời điểm ký kết không lường trước được các yếu tố rủi ro, chưa được tính toán đủ các chi phí tại thời điểm dự thầu, ký hợp đồng như: chi phí phòng chống dịch, giá nguyên vật liệu tăng đột biến, thời gian thực hiện hợp đồng thay đổi do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch…, nếu không cho phép điều chỉnh hợp đồng thì dẫn đến nhiều doanh nghiệp xây dựng phải đối mặt với nguy cơ vi phạm tiến độ hợp đồng; nhà thầu, chủ đầu tư tăng chi phí quản lý, chi phí gián tiếp để thực hiện việc chi trả các khoản duy trì công trường… Trong khi đó, Điều 420, Điều 421 Bộ luật Dân sự năm 2015 cho phép được thay đổi/điều chỉnh hợp đồng.

Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 50/2021/NĐ-CP) để bảo đảm phù hợp với Luật Xây dựng, vừa phù hợp với quy định mới của Bộ luật Dân sự và tháo gỡ vướng mắc trên thực tế.

Theo đó, Dự thảo Nghị định bổ sung vào Khoản 2 Điều 35 quy định về hợp đồng xây dựng được điều chỉnh khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của Bộ luật Dân sự, trong trường hợp này, việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Góp ý Dự thảo Nghị định, một số ý kiến đề xuất xem xét, bổ sung trường hợp giá vật liệu xây dựng chủ yếu (như: sắt, cát, xi măng, nhựa đường…) biến động với tỷ lệ hợp lý vào quy định các trường hợp bất khả kháng để làm cơ sở điều chỉnh giá hợp đồng nhằm giảm thiệt hại cho các bên khi giá vật liệu xây dựng diễn biến phức tạp, làm vượt tầm kiểm soát của nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ công trình thi công, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết đã đề xuất với Chính phủ khi xây dựng Nghị định số 50/2021/NĐ-CP, tuy nhiên Chính phủ đã không thông qua quy định này. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ bổ sung quy định này cho phù hợp.

Chuyên đề