Đề xuất giải pháp mạnh gỡ khó cho thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xác định đây là nút thắt cần sớm giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực khác. Bởi bất động sản tắc là tắc nhiều dòng tiền có liên quan và ảnh hưởng tới các ngành sản xuất khác cũng như vấn đề an sinh xã hội.
Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cho vay các dự án nhà ở xã hội theo phương thức tái cấp vốn. Ảnh minh họa: Phú An
Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cho vay các dự án nhà ở xã hội theo phương thức tái cấp vốn. Ảnh minh họa: Phú An

Khó khăn nhiều bề

Theo Bộ Xây dựng, hoạt động của doanh nghiệp bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận các nguồn vốn (tín dụng, trái phiếu…); lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; không bán được sản phẩm… Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (cá biệt có tập đoàn giảm đến 50% lao động)…

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tổng hợp qua các buổi làm việc với địa phương, doanh nghiệp bất động sản và qua báo cáo của các địa phương, doanh nghiệp cho thấy, hiện có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai do nhiều nguyên nhân. Trong đó, TP.HCM có trên 80% trong số 180 dự án nhà ở, khu đô thị; TP. Hà Nội có 50% trong 170 dự án nhà ở, khu đô thị; TP. Đà Nẵng là 60% trên 75 dự án; TP. Hải Phòng có 30% trên 65 dự án; TP. Cần Thơ có 50% trên 79 dự án…

Bên cạnh vướng mắc nổi cộm từ nửa cuối năm 2022 là tắc dòng vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản phản ánh khó khăn về thể chế, quy định pháp luật làm kéo dài thời gian triển khai các dự án. Đơn cử, liên quan đến pháp luật về đất đai, khó khăn, vướng mắc trong xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất…, đặc biệt là việc xác định giá đất thị trường, chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án. Lý do chính là cơ quan chức năng e ngại, sợ trách nhiệm gây thất thoát nếu định giá thấp hơn thị trường; nhiều trường hợp định giá cao hơn nhiều giá giao dịch thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Sự chưa đồng bộ, thống nhất trong các quy định về đầu tư, đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở, thuế… khiến doanh nghiệp như vướng vào “ma trận” thủ tục. Nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ với phóng viên về khó khăn khi đấu thầu dự án có phần đất công xen kẽ trong dự án; việc không cho phép chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại khi nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất khác nhưng không phải đất ở…

Đối với phát triển nhà ở xã hội, dù là chủ trương lớn của Chính phủ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân, nhưng thủ tục thực hiện theo nhiều doanh nghiệp còn nhiêu khê hơn dự án nhà ở thương mại. Nhiều ưu đãi có quá trình thực hiện thủ tục nhận ưu đãi kéo dài 1 - 2 năm. Đơn cử, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Các ưu đãi cho chủ đầu tư là không thực chất vì chủ đầu tư không được hưởng mà người dân được hưởng, do theo quy định không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội. Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất giữa quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai dẫn đến thực thi phức tạp, mất nhiều thời gian…

Ngoài ra, mặc dù được vay ưu đãi hỗ trợ lãi suất theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đến nay có rất ít dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đề xuất vay.

Đề xuất loạt giải pháp gỡ vướng pháp lý và tín dụng

Trong báo cáo chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Bộ Xây dựng kiến nghị nhiều giải pháp gỡ vướng tín dụng; hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản bảo đảm đồng bộ, khả thi. Trong đó, kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định về trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán…

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, rất cần có một nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ vướng mắc hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho ngân hàng thương mại để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo phương thức tái cấp vốn (tương tự gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013 - 2016)… Ngân hàng Nhà nước cần điều hành nới trần tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư tiếp cận tín dụng. Các địa phương khẩn trương rà soát, lập danh mục dự án nhà ở, bất động sản đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

Chuyên đề