Đề xuất gia hạn nộp thuế TTĐB cho DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thêm 3 tháng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đề nghị Bộ Tài chính xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ, gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế trong năm 2021 thêm ít nhất 3 tháng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang gặp nhiều khó khăn do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu xử lý kiến nghị về việc gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB và giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch Covid-19.

Theo VCCI, ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước thông qua các loại thuế, phí, dẫn dắt sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp này tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trực tiếp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc duy trì sản xuất ô tô thành công tại Việt Nam cũng tiếp tục là cơ hội cho việc chuyển giao dần dần các công nghệ đa dạng, tiên tiến liên quan đến công nghiệp ô tô. Bên cạnh đó, nhu cầu sản xuất mới, sửa chữa các phương tiện phục vụ cho an ninh, quốc phòng với số lượng khá lớn và đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật ngày càng cao, chỉ có ngành công nghiệp ô tô phát triển mới có thể đáp ứng được.

Chính vì có vai trò và tầm quan trọng như vậy, theo VCCI, Nhà nước cần có rất nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, đặc biệt khi các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Trước đó, vào năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2020/NĐ-CP về việc gia hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020; Nghị định số 57/2020/NĐ-CP đối với chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP). Theo cơ quan thuế, tổng số tiền thuế TTĐB được gia hạn thời hạn nộp của 13 doanh nghiệp có giấy đề nghị gia hạn tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước là hơn 19.256 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp hơn, tác động tới nhiều ngành nghề, trong đó có sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước. Theo báo cáo gần đây nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2021, doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên đã giảm 18% so với năm 2019 (thời điểm chưa có dịch Covid-19). Riêng trong tháng 9/2021, doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020. Thậm chí, một số công ty còn ghi nhận mức sụt giảm tới 62% so với tháng trước (8/2021). Trong đó, Mekong thông báo ngưng lắp ráp sản phẩm ô tô nên không có kết quả sản xuất bán ra; TCIEV ngừng sản xuất...

Nhiều ý kiến cho rằng, việc gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có thêm nguồn lực để xoay vòng vốn đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Chuyên đề