Đề xuất bổ sung nhiều quy định mới về đấu giá tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản đang được lấy ý kiến rộng rãi, trong đó bổ sung, sửa đổi nhiều quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản (ĐGTS), nhất là đối với tài sản đặc thù. Bên cạnh đó, quy định liên quan tới lựa chọn sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến (ĐGTT) để tổ chức ĐGTS cũng nhận được nhiều sự quan tâm.
Tiền đặt trước để tham gia đấu giá một số tài sản đặc thù, trong đó có quyền khai thác khoáng sản, được đề xuất nâng lên mức không quá 30% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Ảnh minh họa: D.Giang
Tiền đặt trước để tham gia đấu giá một số tài sản đặc thù, trong đó có quyền khai thác khoáng sản, được đề xuất nâng lên mức không quá 30% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Ảnh minh họa: D.Giang

Nâng mức tiền đặt trước lên tối đa 30%

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp), một trong những điểm mới được bổ sung trong Dự thảo Luật là quy định tại Điều 59a về đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản.

Cụ thể, tiền đặt trước do người có tài sản và tổ chức ĐGTS thỏa thuận được nâng lên mức không quá 30% giá khởi điểm của tài sản đấu giá (trong trường hợp chưa xác định được giá khởi điểm thì tiền đặt trước được xác định theo pháp luật chuyên ngành áp dụng đối với loại tài sản đó); thời gian bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá không quá 10 ngày làm việc để đảm bảo việc thẩm tra, xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá; bổ sung trình tự đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù nêu trên.

Quy định này được đưa ra trong bối cảnh pháp luật về ĐGTS thời gian qua còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức ĐGTS, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan. Chẳng hạn, quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa hợp lý; chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm, chưa có cơ chế hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp; quy định về trường hợp cấm tham gia đấu giá chưa đầy đủ; chưa có quy định về thẩm quyền xét duyệt hồ sơ đối với một số loại tài sản có các yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá như quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Ngoài ra, việc áp dụng một số quy định chung của Luật ĐGTS đối với một số loại tài sản đặc thù như tài sản thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Lựa chọn trang thông tin đấu giá trực tuyến

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần chuyển đổi số trong hoạt động ĐGTS theo lộ trình phù hợp là một trong những quan điểm được thể hiện mạnh mẽ trong Dự thảo Luật khi sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 40 về hình thức ĐGTT.

Theo đó, khi lựa chọn hình thức ĐGTT các loại tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật ĐGTS (gồm tài sản công, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm) và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá (tại Khoản 2 Điều 4), tổ chức ĐGTS có thể lựa chọn sử dụng trang thông tin ĐGTT quốc gia hoặc trang thông tin ĐGTT của các tổ chức ĐGTS để tổ chức việc ĐGTS nêu trên.

Bộ Tư pháp cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, ngoài trang thông tin ĐGTT quốc gia, đã có 11 tổ chức ĐGTS được phê duyệt trang thông tin ĐGTT đủ điều kiện thực hiện ĐGTT.

Về việc lựa chọn trang thông tin ĐGTT, có ý kiến cho rằng, đối với tài sản công, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm (tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá) trong trường hợp được thực hiện bằng hình thức trực tuyến thì tổ chức ĐGTS phải sử dụng trang thông tin ĐGTT quốc gia (thuộc Cổng ĐGTS quốc gia) để tổ chức việc đấu giá. Việc quy định sử dụng trang thông tin ĐGTT quốc gia như nêu trên vừa đảm bảo tính thống nhất, tập trung, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên cho các tổ chức ĐGTS, địa phương, vừa đảm bảo tính khách quan, có sự kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan quản lý nhà nước, tránh nguy cơ can thiệp hệ thống từ phía các tổ chức ĐGTS.

Có ý kiến đề xuất, đối với trang thông tin ĐGTT của tổ chức ĐGTS thì cho phép tổ chức ĐGTS sử dụng để đấu giá các tài sản cho đến hết ngày 31/12/2030. Kể từ ngày 1/1/2031, trang thông tin ĐGTT của tổ chức ĐGTS chỉ được sử dụng để ĐGTS thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán tài sản thông qua đấu giá; trường hợp ĐGTT tài sản công, tài sản thi hành án, tài sản giao dịch bảo đảm thì tổ chức ĐGTS sử dụng trang thông tin ĐGTT quốc gia.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật, thời hạn góp ý đến hết ngày 28/6/2023.

Chuyên đề