Ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu sẽ nhận được nhiều hỗ trợ, ưu đãi từ Nhà nước |
Tuy nhiên, do những hạn chế về tỷ lệ sở hữu (room), cũng như một số quy định riêng đối với lĩnh vực “nhạy cảm” này, nên vẫn chưa thu hút được các nhà đầu tư. Liệu cơ hội có còn nhiều, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài, khi cuộc “đại phẫu” lớn của ngành dần đi vào giai đoạn cuối?
Để đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam lên trên mức trần 30% như hiện nay, thậm chí có thể bán 100% cho nhà đầu tư ngoại đối với những ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém, đang cần nâng cao tiềm lực tài chính để tái cấu trúc. Điều này được xem là cơ hội cho các nhà đầu tư, cả trong nước và nước ngoài.
Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, ông Andy Ho cho rằng, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam là cơ hội tốt để các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào lĩnh vực này. Nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được nắm hơn 30%, thậm chí là 100% cổ phần của các ngân hàng Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt, nhằm tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu và được sự đồng ý của Chính phủ.
Hiện không ít ngân hàng trong nước đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài để bán cổ phần, với tỷ lệ kỳ vọng vượt mức cho phép 30% như hiện nay, nhằm nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh trên thị trường. Chẳng hạn, tại SCB, vốn điều lệ Ngân hàng trong năm qua đã tăng lên 14.500 tỷ đồng và trong năm 2016 có kế hoạch tăng thêm tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Vì vậy, trong năm nay, SCB đặt trọng tâm tiếp tục củng cố, tạo đà phục hồi tốt để khi có cơ hội thích hợp, Ngân hàng sẽ tính đến việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, với tỷ lệ trên 50%.
SCB đã đề xuất vấn đề này lên NHNN và được chấp thuận về mặt chủ trương, qua đó trở thành nhà băng đầu tiên được chấp thuận bán với tỷ lệ vượt qua mức 30%. SCB đang trong quá trình tái cơ cấu (để ổn định và tăng trưởng hơn trong thời gian tới) nên sẽ nhận được nhiều hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước và đây được xem là lợi thế lớn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Thông tin từ một số quỹ đầu tư nước ngoài và tổ chức tư vấn cho hay, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới việc đầu tư vào các ngân hàng Việt. Chẳng hạn, bộ phận Tư vấn Mua bán và sáp nhập (M&A) của Deloitte thường xuyên nhận được câu hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tình hình xử lý nợ xấu và các cơ hội đầu tư vào các ngân hàng trong nước.
Theo một chuyên gia tài chính, Việt Nam đã đạt được một số mục tiêu quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, số lượng các ngân hàng và các tổ chức tài chính trong thị trường nội địa hiện còn tương đối nhiều so với yêu cầu của nền kinh tế, trong đó có không ít tổ chức tài chính đang gặp vấn đề trong hoạt động.
Điều này có nghĩa rằng, chúng ta mong đợi sẽ có nhiều hơn các thương vụ M&A giữa các ngân hàng, cũng như các công ty tài chính trong thời gian tới, cho dù tần suất có thể thấp hơn so với những năm vừa qua. Theo đó, việc nới room ngoại là giải pháp bắt buộc, đặc biệt khi chúng ta ngày càng tham gia nhiều hơn các hiệp định quốc tế.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Andy Ho cho rằng, việc nới room đầu tư trong ngân hàng là một quyết định hoàn toàn đúng đắn của Chính phủ trong thời gian qua. Bởi khi trở thành đối tác chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đóng góp về tài chính, mà còn hỗ trợ cả về quản trị như quản trị rủi ro, thanh khoản, nợ xấu...
Với một hệ thống ngân hàng còn non trẻ, kỹ năng quản trị chưa thực sự chuyên nghiệp như hệ thống ngân hàng Việt Nam, thì việc tham gia của nhà đầu tư ngoại sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ và quản trị, tăng hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, cần phải minh bạch về phạm vi, cũng như lộ trình tăng số lượng cổ phần nước ngoài tại khu vực ngân hàng, bởi đây là lĩnh vực “nhạy cảm” trong nền kinh tế, nên việc nới room cần thận trọng hơn so với các ngành nghề khác.
Mặc dù vậy, không phải nhà băng nào “muốn là có” cổ đông chiến lược nước ngoài. Đối với các ngân hàng nhỏ, yếu kém, dù có nới “kịch” room cũng chưa hẳn đã hấp dẫn được nhà đầu tư ngoại, bởi nợ xấu vẫn là gánh nặng.
Ông Yun Hang Jin, Giám đốc Khối Thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) cho rằng, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) mua nợ xấu của ngân hàng, nhưng đó là nợ xấu trong quá khứ, tức nợ xấu đã phát sinh, trong khi không thể khẳng định nợ xấu sẽ không còn phát sinh trong 5 năm tới. Thậm chí, nếu không quản trị rủi ro tốt, nợ xấu trong hệ thống sẽ còn gia tăng. Lúc đó, việc xử lý nợ xấu sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Theo ông Jin, điều quan trọng nhất đối với các nhà băng nhỏ, cũng như các ngân hàng sau M&A chính là quản trị rủi ro, trong đó trọng tâm là kiểm soát tốt vấn đề nợ xấu.