Đến nay Bộ Y tế vẫn chưa công bố giá thuốc trúng thầu trung bình năm 2013 theo Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC. Ảnh: Nhã Chi |
29 địa phương thực hiện chậm quy định về đấu thầu
Đầu tháng 9/2014, Bộ Y tế có Tờ trình Phó Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thanh toán tiền thuốc tại một số địa phương thực hiện chưa đúng quy định về cung ứng thuốc trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) trong giai đoạn chuyển tiếp các văn bản pháp luật.
Theo Tờ trình, để tránh gây gián đoạn hoạt động cung ứng thuốc giữa Thông tư số 10/2007/TTLT-BYT-BTC (gọi tắt là TT10, có hiệu lực từ năm 2007 đến tháng 6/2012) và Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC (TT01, có hiệu lực thi hành từ 1/6/2012), điều khoản chuyển tiếp của TT01 quy định, những gói thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) trước ngày TT01 có hiệu lực tiếp tục thực hiện theo quy định tại TT10. Quy định này nhằm đảm bảo nguồn thuốc cung ứng ổn định cho hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, một số sở y tế các tỉnh, thành phố đã hiểu và vận dụng chưa đúng, gây ra những khó khăn, vướng mắc khi thanh quyết toán thuốc trong khám chữa bệnh BHYT.
Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, có tới 29 địa phương được UBND tỉnh cho phép kéo dài thời gian cung ứng hoặc ký hợp đồng mua thuốc theo TT10 (đã hết hiệu lực từ tháng 6/2012) đến hết năm 2013, thậm chí một số địa phương còn kéo sang cả đầu năm 2014 như: Đắk Lắk, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình… Việc làm trái quy định này khiến cơ quan BHXH các địa phương đó chưa quyết toán được chi phí thuốc cho các cơ sở y tế.
Bộ Y tế đánh giá, xét theo quan điểm phục vụ thì cơ sở y tế đảm bảo nguồn thuốc ổn định cho hoạt động khám chữa bệnh khi những quy định về đấu thầu cung ứng thuốc có sự thay đổi, nhưng xét về quy định trong chi tiêu ngân sách thì các cơ sở y tế đã vận dụng chưa đúng.
Trước vướng mắc này, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các đơn vị liên quan đã tổ chức các cuộc làm việc tìm phương án tháo gỡ. Cuối tháng 8/2014, các bên liên quan thống nhất đề xuất 2 phương án thanh toán trình Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Phương án 1 là, sử dụng giá thuốc trúng thầu năm 2013 thấp nhất theo TT01 của các đơn vị, địa phương lân cận đã tổ chức đấu thầu mua thuốc theo TT01, để thanh toán chi phí BHYT với những địa phương, đơn vị chưa thực hiện đấu thầu mua thuốc theo TT01.
Phương án 2 là, căn cứ mặt bằng chung giá thuốc trúng thầu theo TT01 (là giá thuốc đã trúng thầu tại nhiều cơ sở y tế, địa phương khác nhau) để thanh toán chi phí thuốc khám chữa bệnh BHYT.
Ngay sau khi có văn bản của Bộ Y tế, tháng 10/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo. Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý với Phương án 1 để thanh toán chi phí thuốc BHYT đối với những địa phương, đơn vị chưa thực hiện đấu thầu mua thuốc theo TT01.
Áp dụng Phương án 2 đối với những thuốc không có trong kết quả đấu thầu tại các địa phương lân cận với việc căn cứ mặt bằng chung giá thuốc trúng thầu năm 2013 của các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện đấu thầu mua thuốc theo TT01 để thanh toán.
Tiếp đó, tháng 5/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm việc thanh toán tiền thuốc trên. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đấu thầu thuốc theo đúng quy định của pháp luật.
Vênh hàng trăm tỷ đồng
Đến nay, đã cuối tháng 10/2017, Bộ Y tế vẫn chưa công bố giá thuốc trúng thầu trung bình năm 2013 theo TT01 nên các địa phương chưa có cơ sở thực hiện thanh toán chi phí các loại thuốc. Một phần nguyên nhân của sự chậm trễ này là do con số của các địa phương vênh nhau quá lớn.
Dựa trên báo cáo của các địa phương, số tiền chênh lệch giữa giá thuốc mua vào tại 29 tỉnh, thành phố và giá thanh toán (giá trúng thầu thấp nhất) của các tỉnh lân cận có thể lên tới cả trăm tỷ đồng.
Đối với các thuốc thanh toán theo giá trúng thầu thấp nhất của tỉnh giáp ranh, số liệu của BHXH Việt Nam cho biết, có 3 tỉnh là Lào Cai, Ninh Bình và Thừa Thiên Huế không so sánh được với các tỉnh giáp ranh, mà nguyên nhân là do các tỉnh giáp ranh cũng nằm trong danh sách 29 tỉnh, thành phố đấu thầu chậm. Tổng số tiền chênh lệch giữa giá mua vào và giá thanh toán của 26 tỉnh còn lại là hơn 91 tỷ đồng, trong đó có địa phương lên tới vài chục tỷ đồng.
Đối với các mặt hàng thuốc thanh toán theo giá trúng thầu trung bình, ước tính số tiền chênh lệch cần thu hồi của các nhóm thuốc thanh toán của 29 địa phương có thể lên lới gần 700 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, với số tiền 91 tỷ đồng chênh lệch giữa giá mua vào của cơ sở khám chữa bệnh và giá trúng thầu thấp nhất của tỉnh giáp ranh, việc thu hồi là hết sức khó khăn. Việc này cũng sẽ tác động lớn tới các địa phương và cơ sở khám, chữa bệnh. Bởi lẽ, thuốc đã được sử dụng cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh đã thanh toán toàn bộ chi phí thuốc cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cung ứng thuốc từ 2013 - 2014 đến nay không còn hoạt động hoặc ngừng cung ứng thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh.