Hiện tại, nhà thầu và hàng hóa của 7 nước đã phê chuẩn CPTPP (Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam) được xem là nhà thầu nội khối và hàng hóa nội khối. Ảnh: Lê Tiên |
Từ nay “ngồi cùng mâm”
Thông tư 09 là thông tư đầu tiên hướng dẫn thực hiện các quy định của Nghị định số 95/2020/NĐ-CP về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTPP, trong đó tập trung vào việc lập HSMT mua sắm hàng hóa.
Một trong những nội dung quan trọng của Thông tư 09 là khái niệm liên quan tới đấu thầu nội khối - là hoạt động đấu thầu mà chỉ có nhà thầu nội khối được tham dự thầu và các nhà thầu phải chào hàng hóa có xuất xứ nội khối.
Nội khối được hiểu là có gốc gác, xuất xứ từ nước thành viên CPTPP đã phê chuẩn Hiệp định. Mặc dù cả 11 nước CPTPP đều đặt bút ký Hiệp định nhưng đến nay mới chỉ có 7 nước phê chuẩn (Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam). Điều đó có nghĩa là nhà thầu và hàng hóa của các nước này được xem là nhà thầu nội khối và hàng hóa nội khối. Bốn nước còn lại (Peru, Chile, Malaysia và Brunei) chưa hoàn tất quá trình phê chuẩn trong nước nên Hiệp định chưa có hiệu lực; nhà thầu và hàng hóa của bốn nước này chưa được hưởng cơ chế nội khối.
Như vậy, đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định CPTPP, khái niệm “đấu thầu trong nước” sẽ không còn nữa và nhường chỗ cho “đấu thầu nội khối”. Nhà thầu từ Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Nhật Bản và Singapore sẽ được phép tham dự thầu và được đối xử bình đẳng như nhà thầu Việt Nam. Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu muốn tăng tính cạnh tranh hơn nữa thì có thể tổ chức đấu thầu quốc tế, trong đó quy trình thực hiện vẫn giống như quy định hiện nay theo Luật Đấu thầu.
Cạnh tranh sòng phẳng
Tinh thần cạnh tranh sòng phẳng, không phân biệt đối xử là nguyên tắc quan trọng của đấu thầu theo Hiệp định CPTPP. Chính vì vậy, Thông tư 09 đặc biệt nhấn mạnh chủ đầu tư, bên mời thầu không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc ưu ái cho nhà thầu khác, không được đòi hỏi nhà thầu phải có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tại một quốc gia nào đó.
Đối với trường hợp vì lý do khách quan mà không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì chủ đầu tư, bên mời thầu có thể nêu nhãn hiệu, catalog của một sản phẩm nào đó để tham khảo, minh họa nhưng phải ghi kèm cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalog đó. Đồng thời, chủ đầu tư, bên mời thầu cũng phải làm rõ nội hàm “tương đương” về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ… nhưng không được liên quan tới xuất xứ.
Xoay quanh việc đối xử công bằng, Hiệp định CPTPP không cho phép các nước thành viên áp dụng biện pháp ưu đãi trong nước (ví dụ như yêu cầu về hàm lượng nội địa, yêu cầu nhà thầu nước ngoài chuyển giao công nghệ…). Tuy nhiên, với tư cách là một nước đang phát triển, Việt Nam vẫn được phép áp dụng các biện pháp này trong một khoảng thời gian chuyển đổi nhất định. Để tạo thuận lợi cho cơ quan mua sắm, Thông tư 09 hướng dẫn chi tiết về cách tận dụng cơ chế này, bao gồm cả hình thức ưu đãi, đối tượng ưu đãi và cách tính ưu đãi. Đối với đấu thầu nội khối, bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu phải chào thầu và cung cấp hàng hóa xuất xứ trong nước đối với những hàng hóa mà trong nước đã sản xuất được và đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá; yêu cầu nhà thầu nước ngoài chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu phát triển và các biện pháp ưu đãi khác khi trúng thầu tại Việt Nam…
Đối với đấu thầu quốc tế, nếu chủ đầu tư, bên mời thầu không muốn áp dụng biện pháp ưu đãi trong nước thì có thể áp dụng biện pháp ưu đãi cho nhà thầu nội khối và hàng hóa có xuất xứ nội khối so với nhà thầu và hàng hóa từ các nước ngoài CPTPP theo cơ chế tương tự như biện pháp ưu đãi trong nước.