Đấu giá trực tiếp trong thời gian giãn cách xã hội: Dấu hiệu hạn chế người tham gia đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng việc tổ chức đấu giá tài sản (ĐGTS) theo hình thức trực tiếp vẫn được một số tổ chức ĐGTS thực hiện.
Người có tài sản nên ưu tiên lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Nhã Chi
Người có tài sản nên ưu tiên lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Nhã Chi

Bộ Tư pháp nhận định cách làm trên có dấu hiệu hạn chế, không bảo đảm quyền lợi của người đăng ký tham gia đấu giá. Do vậy, Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi cơ quan tư pháp ở các địa phương đề nghị chấn chỉnh hoạt động ĐGTS trong thời gian giãn cách xã hội.

Giãn cách xã hội nhưng vẫn... xem tài sản đấu giá

TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg trong đợt dịch lần thứ 4 từ ngày 7/7/2021; Hà Nội áp dụng từ ngày 23/7/2021. Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt thông tin trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS, Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, một số tổ chức ĐGTS vẫn thông báo bán, tiếp nhận hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá, xem tài sản đấu giá trong thời gian thực hiện giãn cách là có dấu hiệu hạn chế người đăng ký tham gia đấu giá, không đảm bảo quyền của người tham gia đấu giá…

Đơn cử, Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Việt Nam (địa chỉ tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) thông báo bán ĐGTS là khoản nợ xấu của Công ty TNHH Thủy sản Trọng Nhân tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM với giá khởi điểm 316,44 tỷ đồng. Thời gian mua và nộp hồ sơ đấu giá từ ngày 23/8 - 6/9/2021 tại trụ sở Công ty. Cuộc đấu giá dự kiến tổ chức vào ngày 9/9/2021 theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, địa điểm tại trụ sở Công ty.

Có thể không công nhận kết quả đấu giá nếu vi phạm

Theo Cục Bổ trợ tư pháp, việc bán, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, xem tài sản đấu giá trực tiếp trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội là có dấu hiệu hạn chế, không đảm bảo quyền của người tham gia đấu giá. Đối với vụ việc bán đấu giá tài sản là khoản nợ xấu của Công ty TNHH Thủy sản Trọng Nhân, Cục Bổ trợ tư pháp đề nghị Sở Tư pháp TP. Hà Nội kiểm tra, xác minh nội dung thông tin và có báo cáo về vụ việc.

Trong văn bản gửi Sở Tư pháp các địa phương về việc chấn chỉnh hoạt động ĐGTS trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Cục Bổ trợ tư pháp nhấn mạnh, có tình trạng niêm yết, thông báo đấu giá, tổ chức đấu giá trực tiếp trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hoặc tổ chức thực hiện việc trả giá, tổ chức buổi công bố giá thông qua các ứng dụng trực tuyến (zoom, zalo, gmail, google meet…). Điều này không đúng quy định của Luật ĐGTS và có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật ĐGTS (hành vi cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá).

Do vậy, Cục Bổ trợ tư pháp đề nghị, các Sở Tư pháp yêu cầu các tổ chức ĐGTS tại địa phương thực hiện đúng quy định của Luật ĐGTS trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm không cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá. Trường hợp tổ chức đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói, bỏ phiếu tại cuộc đấu giá hoặc bỏ phiếu gián tiếp thì không được áp dụng việc trả giá hoặc tổ chức buổi công bố giá thông qua các ứng dụng trực tuyến như nêu trên.

Sở Tư pháp các địa phương phải rà soát, kiểm tra các tổ chức ĐGTS thực hiện không đúng quy định, có dấu hiệu vi phạm để có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả, kể cả việc đề nghị người có tài sản không xem xét công nhận kết quả đấu giá.

Ngoài ra, Sở Tư pháp tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo người có tài sản thuộc thẩm quyền quản lý ưu tiên lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến (bán và tiếp nhận hồ sơ trực tuyến hoặc qua đường bưu điện) và tổ chức hình thức này theo đúng quy định của pháp luật về đấu giá.

Chuyên đề