Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Khó thực hiện vì “vênh” chính sách

(BĐT) - Khi Luật Khoáng sản 2010 cùng với các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản (ĐGQKTKS) được ban hành, nhiều người đã kỳ vọng về việc giảm thiểu cơ chế xin - cho, tăng minh bạch trong khai khoáng. 
Cần đánh giá, thăm dò cụ thể về trữ lượng các mỏ khoáng sản trước khi đưa ra đấu giá quyền khai thác. Ảnh: Đỗ Phương
Cần đánh giá, thăm dò cụ thể về trữ lượng các mỏ khoáng sản trước khi đưa ra đấu giá quyền khai thác. Ảnh: Đỗ Phương

Tuy nhiên, theo chuyên gia khoáng sản, các cơ chế minh bạch về ĐGQKTKS không có ý nghĩa thực tiễn bởi độ “vênh” quá lớn trong các quy định pháp luật.

Thực hiện “èo uột”

Đến thời điểm hiện nay, khi Luật Khoáng sản đã ra đời được gần 10 năm cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định ĐGQKTKS, nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có rà soát, thống kê chính thức về việc thực hiện quy định này trong thực tiễn. Trong khi đó, báo cáo của các địa phương đã chỉ rõ những “thất bại” của cơ chế chính sách này. Sau gần 10 năm, nhiều địa phương (Hải Dương, Đà Nẵng, Tiền Giang) chưa có khu vực nào được tổ chức ĐGQKTKS.

Tại một số địa phương khác, mặc dù đã “rục rịch” tiến hành ĐGQKTKS nhưng việc đấu giá chỉ được thực hiện chủ yếu đối với những khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường. Đơn cử, giai đoạn 2012 - 2017, Yên Bái tổ chức đấu giá 8 khu vực khoáng sản, trong đó có 7 khu vực là cát, sỏi lòng sông. Tỉnh Thanh Hóa tổ chức đấu giá thành công 23 mỏ đều là cát, sỏi làm VLXD thông thường. Quảng Ninh chỉ mới tổ chức thành công 1 cuộc ĐGQKTKS đối với cát, cuội, sỏi làm VLXD thông thường.

Ngay cả địa phương vốn nổi tiếng với sự phong phú của nhiều loại khoáng sản như Thái Nguyên cũng chỉ tổ chức ĐGQKTKS thành công với 20 điểm mỏ (trong thời gian từ 2010 - 2017), trong đó có 17 khu vực là VLXD thông thường (cát, sỏi, nguyên liệu làm gạch ngói, đá cát kết).

Trong khi đó, ở cấp trung ương mới chỉ ghi nhận 1 mỏ quặng sắt khu vực Nam Phia Đăm, xã Bằng Thành và xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đấu giá thành công vào tháng 10/2018 sau nhiều năm “tắc nghẽn” bởi các quy định của pháp luật. 

Vô vàn lý do cản trở việc đấu giá

TS. Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam chia sẻ, theo quy định, việc thực hiện ĐGQKTKS ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản là không khả thi vì cơ quan có thẩm quyền bán đấu giá nhưng lại không hiểu tài sản được đấu giá như thế nào, chất lượng ra sao và doanh nghiệp (DN) thì không muốn tham gia đấu giá, không dám trả giá. Đối với việc ĐGQKTKS ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản cũng là quy định “cho có” vì các mỏ này đã được cấp phép khai thác trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực.

Do vậy, TS. Lê Ái Thụ cho rằng, lý do đầu tiên cản trở việc thực hiện ĐGQKTKS là sự thiếu thực tiễn, thiếu đồng bộ của các quy định giữa Luật Khoáng sản, Luật Đất đai và Luật Thuế tài nguyên.

Sự thiếu đồng bộ giữa Luật Khoáng sản và Luật Đất đai, theo TS. Thụ, là quy định về mặt bằng khi thực hiện đấu giá. Theo đó, để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu vực có mỏ khoáng sản, Luật Đất đai quy định phải có mặt bằng sạch, nhà đầu tư/doanh nghiệp sẽ không phải thực hiện giải phóng mặt bằng. Nhưng đối với ĐGQKTKS, Luật Khoáng sản lại không quy định khu vực đấu giá phải là mặt bằng sạch. Do đó, khi tổ chức đấu giá xong, đơn vị trúng đấu giá mới triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thì sẽ dẫn đến nhiều rủi ro, hệ lụy cho đơn vị trúng đấu giá nếu không thỏa thuận được để giải phóng mặt bằng.

Mặt khác, Luật Khoáng sản và Luật Thuế tài nguyên cũng chưa có sự đồng bộ trong quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo quy định của Luật Khoáng sản, giá khởi điểm được tính theo mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Cách tính mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản này theo Luật Thuế tài nguyên lại dựa trên sản lượng thực tế khai thác do người khai thác tự khai báo.

Trong khi việc ĐGQKTKS thực hiện cả ở những mỏ chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng, giá khởi điểm được tính theo mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của trữ lượng chưa được khai thác ở những mỏ chưa rõ trữ lượng chính xác. Vị Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế nhấn mạnh, đây là kẽ hở rất lớn do sai số trong việc tính toán trữ lượng khai thác trên giấy và thực tế. Do đó sẽ nảy sinh nhiều rủi ro, thất thoát với cả 2 phía (Nhà nước và đơn vị trúng đấu giá), bởi nếu đơn vị trúng đấu giá được hưởng lợi với trữ lượng lớn hơn tính toán ban đầu thì Nhà nước lại thất thu và ngược lại.

Những dẫn chứng trên chỉ là một trong rất nhiều bất cập đang cản trở việc thực hiện ĐGQKTKS để minh bạch hoạt động khai khoáng. Dựa trên những phân tích này, TS. Thụ cho rằng, cần phải thực hiện ĐGQKTKS theo đúng bản chất của việc đấu giá, đó là phải đấu giá mỏ “sạch”, có mặt bằng sạch. Cùng với đó, đơn vị trúng đấu giá sẽ không phải nộp hồ sơ xin cấp quyền khai thác khoáng sản bởi khi doanh nghiệp trúng đấu giá là phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác.

Ngoài ra, chuyên gia này cho biết, cần sửa Luật Khoáng sản 2010 theo hướng phải có đánh giá thăm dò cụ thể về trữ lượng các mỏ khoáng sản trước khi đưa ra đấu giá. Cùng với đó, các quy định của Luật Khoáng sản và các luật liên quan như: Đất đai, Thuế tài nguyên, Đấu giá tài sản cần có sự rà soát, sửa đổi cho đồng bộ, thống nhất.

Chuyên đề