Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Kém hấp dẫn vì “mù mờ” trữ lượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại một số địa phương, đấu giá quyền khai thác khoáng sản (QKTKS) nhưng chưa thăm dò, đánh giá trữ lượng tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó thu hút người tham gia đấu giá. Ngoài ra, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng cản trở người trúng đấu giá triển khai dự án, khiến các cuộc đấu giá QKTKS trở nên kém hấp dẫn.
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực chưa thăm dò trữ lượng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia đấu giá. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực chưa thăm dò trữ lượng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia đấu giá. Ảnh minh họa: Lê Tiên

UBND tỉnh An Giang cho biết, từ năm 2012 - 2021, An Giang đã phê duyệt 7 khu vực thực hiện kế hoạch đấu giá QKTKS. Trong đó, 3 khu vực đã đấu giá thành công (2 khu vực chưa thăm dò và 1 khu vực đã thăm dò); 1 khu vực đấu giá không thành công; 3 khu vực chưa đấu giá.

Kết quả đấu giá cho thấy, khu mỏ cát vật liệu xây dựng thông thường trên sông Tiền thuộc xã Vĩnh Hòa và xã Tân An, thị xã Tân Châu (chưa thăm dò) với số tiền tạm tính theo giá khởi điểm khoảng 64 tỷ đồng, kết quả trúng đấu giá tương ứng tổng số tiền trúng đấu giá là 126,6 tỷ đồng.

Khu mỏ đá vật liệu xây dựng thông thường núi Cô Tô (khu II) thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn (đã thăm dò) có số tiền tạm tính theo giá khởi điểm là 7,29 tỷ đồng; tổng số tiền trúng đấu giá là 90 tỷ đồng.

Khu mỏ cát trên sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân (chưa thăm dò) có số tiền tạm tính theo giá khởi điểm khoảng 4,4 tỷ đồng. Giá trúng đấu giá tương ứng tổng số tiền trúng đấu giá là 416 tỷ đồng.

Đối với khu mỏ cát trên sông Tiền (thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.Home trúng đấu giá với mức hơn 2.811 tỷ đồng, gấp 390 lần giá khởi điểm. Được biết, ngày 23/3/2022, UBND tỉnh An Giang có văn bản chính thức về việc hủy kết quả đấu giá do doanh nghiệp trúng đấu giá có công văn về việc ngừng thực hiện thủ tục khai thác mỏ cát.

UBND tỉnh An Giang chỉ ra một trong những tồn tại, hạn chế là đấu giá QKTKS tại khu vực chưa thăm dò trữ lượng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia đấu giá. Nguyên nhân là các thông tin về khu mỏ chưa được thăm dò trữ lượng chỉ là thông tin dự báo. Vì vậy, khi người trúng đấu giá tiến hành thăm dò thì các thông số này có thể bị sai lệch.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Bùi Văn On, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu cho biết, khi tham gia đấu giá QKTKS cát tại khu vực chưa thăm dò, mức trả giá (xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản - R) chỉ là chi phí để doanh nghiệp được cấp phép đưa các phương tiện tới khu vực mỏ khai thác cát. Trong quá trình khai thác, doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm các chi phí như: thuế tài nguyên 15% giá trị cát; thuế giá trị gia tăng 10% giá trị cát; phí bảo vệ môi trường 4.000 đồng/m3. Nếu chi quá nhiều cho mức thu tiền cấp QKTKS, trong khi trữ lượng khoáng sản không như dự báo, doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro, không thể có lãi. Điều này dẫn tới nhiều doanh nghiệp xin hủy kết quả đấu giá vì khả năng thua lỗ cao.

Thực tế này cũng được ghi nhận ở Ninh Bình trong thời gian qua. Đã có trường hợp người trúng đấu giá thực hiện thăm dò, song trữ lượng không đảm bảo để lập dự án đầu tư khai thác hiệu quả và có văn bản đề nghị hủy kết quả đấu giá. Trong trường hợp này, tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện không có quy định cụ thể về việc xử lý tiền đặt trước (chuyển thành tiền cọc), do đó địa phương không có cơ sở để thực hiện.

Một bất cập khác trong việc đấu giá QKTKS được Ninh Bình chỉ ra là, Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định khu vực đấu giá QKTKS phải có mặt bằng sạch. Các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh, việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) theo hình thức thỏa thuận giữa chủ đầu tư và chủ sử dụng đất, Nhà nước không tổ chức đền bù GPMB và thu hồi đất. Do đó, khi tổ chức đấu giá xong, đơn vị trúng đấu giá mới triển khai bồi thường, GPMB. Trường hợp không thỏa thuận được việc GPMB thì dự án không thể triển khai.

Một số khu vực mỏ không có mặt bằng để mở đường, hạ tầng chưa đồng bộ, một số khu vực mỏ đá liên quan đến khoảng cách an toàn khi sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, một số mỏ thuộc các huyện miền núi, điều kiện khai thác khó khăn, thị trường hạn chế, nếu tổ chức đấu giá thì hiệu quả thấp, thậm chí không có người tham gia.

Do vậy, UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng, cần sửa đổi quy định trong Luật Khoáng sản theo hướng, điều kiện để đấu giá QKTKS là phải có mặt bằng sạch, đã được thăm dò đánh giá trữ lượng, chất lượng khoáng sản để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả khi đưa vào đấu giá.

Ngoài ra, cần quy định rõ việc có hay không hoàn trả tiền đặt trước trong trường hợp trúng đấu giá ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản, sau khi thăm dò thì phát hiện trữ lượng không đảm bảo để lập dự án đầu tư khai thác có hiệu quả.

Chuyên đề