Đấu giá đất tại Hoài Đức (Hà Nội): Cẩn trọng với hành vi đẩy giá, trục lợi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 19 lô đất tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức thu hút sự chú ý của dư luận khi có mức trúng đấu giá được ghi nhận là “kỷ lục” so với mức giá của một số huyện ngoại thành Hà Nội từ trước tới nay, lên đến 133,3 triệu đồng/m2. Theo một số chuyên gia, mức giá trúng đấu giá này chỉ mang tính “cục bộ, nhất thời”, đây cũng là mức giá mong đợi trong tương lai được một số cá nhân đầu cơ đẩy lên.
19 lô đất tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội
19 lô đất tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội

Sáng 20/8, qua 19 giờ đồng hồ với 9 vòng đấu giá, 19 lô đất tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội kết thúc với giá trúng đấu giá cao nhất thuộc về lô LK03-12 (133,3 triệu đồng/m2). Đây là lô góc, 3 mặt tiền, diện tích hơn 113 m2, tổng giá trị hơn 15 tỷ đồng. Như vậy, so với giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2, mức giá đấu trúng gấp 18,2 lần.

Lô trúng đấu giá thấp nhất là 91,3 triệu đồng/m2. Ngoài ra, các lô đất khác cũng trúng từ hơn 97 triệu đồng đến hơn 127 triệu đồng/m2.

Được biết, 19 lô đấu giá đất trong đợt này có diện tích từ 74 - 118 m2, giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2. Tại thời điểm đấu giá ghi nhận có hơn 500 khách hàng tham gia với hơn 1.500 hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá.

Sau loạt đấu giá các lô đất tại Đan Phượng, Thanh Oai “nóng” trong những ngày qua, nhiều ý kiến cho rằng, rất có thể sẽ xảy ra cơn "sốt đất" ở Hoài Đức vì địa phương này sở hữu vị trí thuận lợi hơn khi chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km. Huyện Hoài Đức cũng có lợi thế khi là một trong những huyện ngoại thành Hà Nội có đường Vành đai 4 chạy qua 7 xã. Huyện Hoài Đức cũng có thông tin sắp lên quận.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Chí Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, để bảo đảm nguồn thu, thực hiện các dự án có hiệu quả thì tất cả các dự án được Huyện lựa chọn để đưa ra đấu giá đều được tập trung quy hoạch gần các “tuyến đường khung” trên địa bàn. Đối với 19 lô đất đấu giá tại thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên đang có vị trí gần đường Vành đai 4 và tuyến đê Tả Đáy (đã được nâng cấp, kết hợp đường giao thông); gần trường học, dự án cây xanh thể thao. Dự án này là một trong những dự án được quy hoạch tốt nhất của Huyện hiện nay, gần như mỗi lô đất đều có 2 mặt tiền (trước là đường quy hoạch, sau là đường dạo bộ nội khu)...

Ông Hiệu cho biết thêm, việc phê duyệt giá khởi điểm đấu giá đất được thực hiện theo Nghị định 12/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Phương án đấu giá được huyện Hoài Đức đưa ra là đấu giá qua 6 vòng bắt buộc; xây dựng bước giá tối thiểu 6 triệu đồng/m2 để đảm bảo hạn chế tối đa có tiêu cực xảy ra.

TS. Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam cho rằng, "cơn sốt" đất đấu giá các huyện vùng ven như Thanh Oai, Hoài Đức... với giá trúng cao hơn nhiều so với thị trường một phần do các nhóm đầu cơ thao túng, "thổi giá". Qua theo dõi các phiên đấu giá gần đây, có sự xuất hiện nhóm nhà đầu tư từ Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang... tham gia đấu giá, trả giá cao. Vấn đề này tiềm ẩn yếu tố đẩy giá nhà đất và bất động sản lên cao trong thời gian tới, khiến những người có nhu cầu thực khó tiếp cận.

Ông Lượng đề xuất, để ngăn tình trạng đầu cơ, "thổi giá", có thể nghiên cứu tăng mức đặt cọc lên 50% giá trị ban đầu, sau khi trúng đấu giá 1 - 2 năm mới được phép công chứng, chuyển nhượng, mua bán, hoặc nếu chuyển nhượng lại trong khoảng thời gian trên thì tính thuế cao...

Với nhiều năm kinh nghiệm trong quá trình tổ chức đấu giá nói chung, đặc biệt đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội nói riêng, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh - Tổng giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt thông tin, quay trở lại thời điểm cách đây đúng 1 năm xảy ra câu chuyện đấu giá đất ế ẩm ở Hoài Đức, Thanh Oai... Khoảng 2 tháng gần đây, các cuộc đấu giá đất ở ngoại thành Hà Nội thu hút được lượng lớn khách hàng tham gia có nguyên nhân đến từ giá khởi điểm thấp, dẫn đến tiền đặt cọc thấp, khiến người tham gia đấu giá có tâm lý sẵn sàng đánh đổi rủi ro. Việc mất tiền đặt trước ở mức thấp không đủ răn đe cho ý thức trả giá mạo hiểm của khách hàng khi không có nhu cầu thực.

Không loại trừ yếu tố “đầu cơ”, bà Hạnh cho rằng: “Ở đâu đó vẫn có những nhóm đầu tư có độ nhạy cảm với thị trường, họ nhận thấy với đà này giá đất sẽ tăng cao nên đưa ra mức giá cao để trúng đấu giá, chờ cơ hội tăng giá…”. Tuy nhiên, mức giá đất sau khi trúng đấu giá vẫn chỉ là hiện tượng nhất thời, cục bộ, không phải là giá đất sẽ được “ấn định” từ giá trúng đấu giá, bà Hạnh nhấn mạnh.

Thông tin với báo chí ngày 21/8, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết đang phối hợp với cơ quan công an để kiểm tra, đánh giá toàn diện các cuộc đấu giá đất ở ngoại thành Hà Nội thời gian qua. Lãnh đạo Sở này cho biết thêm, đang đợi đến hạn nộp tiền trúng đấu giá, theo quy định là 30 ngày để nắm rõ hơn tình hình.

Ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có công điện chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Công điện nêu rõ, vừa qua, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường được cơ quan thông tin đại chúng phản ánh) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư